Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2012

Những bóng hồng trong thơ nhạc - Kỳ 2: Ngày về trong giấc mơ hoa



Số tác phẩm của nhạc sĩ Hoàng Giác chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhưng trong số đó đã có 2 tuyệt phẩm là Mơ hoa và Ngày về. Đó là niềm hạnh phúc và cũng là “tai ương” cho tác giả.
>> Kỳ 1: Có một “chiều vàng” trải “nỗi lòng”...
Định mệnh đã đưa đến cho nhạc sĩ Hoàng Giác một người vợ “trên cả tuyệt vời” để đồng cam cộng khổ, để là điểm tựa tinh thần cho chồng trong giai đoạn lao đao nhất của đời mình. Nói về sắc đẹp, bà Kim Châu (vợ nhạc sĩ) được tôn vào hàng “giai nhân đất Hà thành”. Biết bao chàng công tử phong lưu cầu cạnh được kề cận bên người đẹp, thế nhưng bà Kim Châu đã rũ bỏ tất cả để về “nâng khăn sửa túi” cho chàng nhạc sĩ tuy nghèo nhưng rất mực tài hoa, đúng như ước nguyện của mình.
Hoàng Giác sinh năm 1924, gốc làng Chèm (xã Thụy Phương, Từ Liêm, Hà Nội). Làng Chèm có nghề làm chả giò truyền thống trong câu thành ngữ “giò Chèm, nem Vẽ”. Cha của ông là một nghệ nhân chơi đàn bầu rất hay đồng thời cũng là một võ sĩ quyền anh, từng giữ chức Chủ tịch Liên đoàn Quyền anh Bắc kỳ. Hoàng Giác được theo học ở Trường Bưởi - một ngôi trường rất nổi tiếng thời đó. Bạn học cùng lớp với ông nhiều người sau này trở thành những nhạc sĩ nổi tiếng như Dzoãn Mẫn (tác giả Biệt ly), Ngọc Bích (tác giả Mộng chiều xuân), Đoàn Chuẩn (tác giả Thu quyến rũ)... Hoàng Giác được học nhạc trong nhà trường nhưng cũng giống bạn bè đồng lứa, còn mày mò tự học thêm. Những sáng tác đầu tay của thế hệ ấy đa phần ra đời trong giai đoạn này. 
Người đẹp Hà thành
Nhưng bản nhạc đầu tay của Hoàng Giác không phải làm tặng cho... người đẹp Kim Châu. Ông kể: “Lúc bấy giờ, chúng tôi phần nhiều ở lứa tuổi 18, 19, cho nên rất mơ ước có những bài hát của người Việt làm với lời Việt. Lứa tuổi chúng tôi lúc đó hầu hết là học sinh, đều say sưa viết. Mơ hoa cũng là một trong những bài tôi viết thời đó. Đấy là năm 1945, tôi vừa tốt nghiệp Trường Bưởi, ở gần nhà tôi có một thiếu nữ trong Hà Đông ra, cô mới tuổi 16 thôi. Dáng người cô thon nhẹ, tóc dài. Chúng tôi gặp gỡ, trao đổi và có những tình cảm quyến luyến như những chàng trai, cô gái tuổi mới lớn khác. Nhìn cô, tôi liên tưởng ngay đến các cô ở làng hoa Ngọc Hà mà sáng sáng tôi hay gặp trên đường đi học. Thế là tôi mơ ước viết một bài để tặng cô ấy, tức nhiên trong lòng đã mang một giấc mơ. Và đấy là bản nhạc đầu tay trong cuộc đời sáng tác của tôi”.

Bà Kim Châu thời trẻ - Ảnh: Tư liệu   
Không chỉ biết sáng tác, cậu thanh niên Hoàng Giác còn sở hữu một giọng hát trầm ấm và điêu luyện, thế nên cô thiếu nữ - hoa khôi đường Quán Thánh sau vài lần theo bố mẹ đến dự những buổi trình diễn ca nhạc ở Nhà hát Lớn đã thấy hồn mình rung động, thầm ao ước chàng nghệ sĩ hào hoa kia là ý trung nhân của mình.
Cách mạng tháng Tám 1945 bùng nổ, Hoàng Giác hăng hái tham gia. Trong Tuần lễ vàng ở Hà Nội, Hoàng Giác đăng đàn diễn thuyết. Tài ăn nói của chàng đã thu về nhiều thắng lợi cho ngân sách của chính phủ non trẻ. Trong đám đông đứng nghe, có cả “giai nhân đường Quán Thánh”, cô lặng lẽ tháo tất cả vòng, xuyến bỏ vào thùng ủng hộ cách mạng. Và cũng như những buổi nghe hát ở Nhà hát Lớn, trong tâm tư cô cũng thổn thức ước nguyện. 
Nhưng cái anh chàng “phổi bò” kia thì lại quá vô tình... chẳng biết gì sất! Đến khi toàn quốc kháng chiến, Hoàng Giác tham gia Đoàn Tuyên truyền xung phong và một tuyệt phẩm nữa được ra đời vào năm 1947, ca khúc Ngày về: “Tung cánh chim tìm về tổ ấm. Nơi sống bao ngày giờ đằm thắm. Nhớ phút chia ly, ngại ngùng bước chân đi. Luyến tiếc bao ngày xanh... Tha thiết mong tìm về bạn cũ. Nhưng cánh chim mịt mùng bạt gió. Vắng tiếng chim xanh ngày vui hót tung mây. Mờ khuất xa xôi nghìn phương...”.
Tác phẩm của Hoàng Giác không chỉ có Mơ hoa và Ngày về mà còn có cả Lỡ cung đàn, Quê hương, Hương lúa đồng quê, Bóng ngày qua... và ba ca khúc hợp soạn với nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ Tiếng hát biên thùy, Qua bến năm xưa và Trên đường về; nhưng nhắc tới Hoàng Giác là người ta nhớ ngay đến hai ca khúc đầu tiên, đặc biệt là Ngày về - nhạc sĩ đã làm trên đường công tác được về thăm nhà.
Năm 1951, sáu năm sau những rung động đầu tiên trong tâm hồn thanh khiết của “giai nhân đường Quán Thánh” - định mệnh hình như cũng biết được tâm nguyện thầm kín của nàng nên đã run rủi cho song thân của Hoàng Giác cậy nhờ mai mối đi hỏi cô Kim Châu cho con trai họ. Cả Hà Nội xôn xao. Bao nhiêu chàng trai thất vọng. Cũng có người can ngăn bố mẹ nàng không nên gả con gái cho “thằng nghệ sĩ nghèo rớt mồng tơi”. Thế nhưng có ai biết được ước mơ của nàng, và nàng đã hân hoan chấp nhận lời cầu hôn. Thế là người đẹp Kim Châu trở thành “bà Hoàng Giác” năm 19 tuổi.
Cuộc sống êm đềm của đôi vợ chồng Hoàng Giác - Kim Châu chỉ kéo dài được khoảng hơn 15 năm thì tai họa ập xuống, khi chính quyền Sài Gòn thời ấy “cắc cớ” chọn bài Ngày về làm nhạc hiệu cho chương trình “Tiếng chim gọi đàn” (tên một bài hát của nhạc sĩ Hoàng Quý) - một chương trình “chiêu hồi”. Dạo ấy, chính quyền miền Nam đã sử dụng khá nhiều ca khúc của “phía bên kia” như bài Tiếng gọi thanh niên của Lưu Hữu Phước trở thành quốc ca, rồi Sơn nữ ca, Lời người ra đi của Trần Hoàn, Thiên thai, Bến xuân của Văn Cao... nhưng Ngày về lại rơi vào trường hợp “nhạy cảm” nhất cho nên không chỉ tác giả mà cả gia đình của ông cũng chịu nhiều hệ lụy. Tai họa này đã biến bà Kim Châu từ một người vợ yếu đuối đã tự gắng gượng và trở thành “lao động chính”, một mình bà phải chạy vạy, lo toan chuyện cơm áo để nuôi sống chồng con. Đằng đẵng suốt bao nhiêu năm trời bà cặm cụi may vá, đan len thuê kể cả phết hồ dán bao bì. Bà không từ chối bất cứ việc gì, cho dù là nhỏ nhặt hoặc lao nhọc, miễn sao đem lại cho bà chút tiền để khả dĩ mua được thức ăn nuôi sống gia đình.
Cực khổ như thế nhưng đó cũng là thời gian bà cảm thấy rất hạnh phúc, vì bà không chỉ được chia sẻ hoạn nạn với ông mà còn thấy... ông che mặt khóc khi chứng kiến vợ mình quá cơ cực. Và với bà, như thế cũng là một sự đền bù ấm áp.
Hà Đình Nguyên



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét