Thứ Tư, 22 tháng 2, 2012

Giáo sư Xoay chia sẻ lý do rời Hỏi xoáy đáp xoay


Cập nhật 22/02/2012 12:24 (GMT+7)
.

Cách đây không lâu, Đinh Tiến Dũng (người vẫn được khán giả biết đến với cái tên Giáo sư Cù Trọng Xoay) đã tuyên bố, thời gian tới anh sẽ không còn đảm nhận vai diễn trong chương trình Hỏi xoáy đáp xoay của Đài Truyền hình Việt Nam. Trước thông tin này, người hâm mộ đã rất bất ngờ và tiếc nuối khi không còn được thường xuyên xem anh đối đáp dí dỏm trên tivi hàng tuần.

Trên nhiều diễn đàn xã hội, không ít câu hỏi được đặt ra về lý do Cù Trọng Xoay nói lời chia tay với chương trình đã làm nên thương hiệu của chính anh. Trước đó, nghệ sĩ hài Xuân Bắc cũng rời chương trình vì bận công việc riêng, không thể đảm đương được nhiệm vụ của vai anh Xoáy. Nhân vật của Xuân Bắc được nữ diễn viên Thu Huyền - người tự giới thiệu là "trợ lý của Trần Xoáy" thay thế vào số Thư giãn cuối tuần ngày 4/2. Tuy nhiên, sự “đổi mới” này đã làm giảm sức hút của chương trình khi Thu Huyền bị chê bai là diễn nhạt nhẽo.

Việc Cù Trọng Xoay tuyên bố rời chương trình "Hỏi xoáy đáp xoay" khiến nhiều khán giả yêu mến anh bất ngờ.

Xung quanh việc hai nhân vật chính lần lượt rút khỏi Hỏi xoáy đáp xoay đã có rất nhiều lời bàn tán, đặc biệt là nguyên nhân Giáo sư Xoay đột ngột tuyên bố “giải nghệ”. Một trong những lý do được "mổ xẻ" là xích mích giữa Cù Trọng Xoay với đạo diễn Đỗ Thanh Hải (người chịu trách nhiệm thực hiện Thư giãn cuối tuần) khi đạo diễn này "chê" Giáo sư Xoay chỉ bằng 1/10 Xuân Bắc trên mặt báo.

Liên lạc với Giáo sư Xoay - Đinh Tiến Dũng để hỏi về tin đồn mâu thuẫn giữa anh và đạo diễn Đỗ Thanh Hải.

- Việc anh "giải nghệ", không đảm nhận vai diễn Giáo sư Xoay trong "Hỏi xoáy đáp xoay" khiến rất nhiều khán giả truyền hình cảm thấy tiếc nuối. Bản thân anh cảm thấy thế nào khi phải chia tay với chương trình đã làm nên "thương hiệu" cho mình?

- Bạn cứ quá lời, tôi có phải "nghệ" gì đâu mà "giải nghệ". Tham gia Hỏi xoáy đáp xoay là một công việc làm thêm của tôi, nên nếu xong rồi thì đi làm thêm việc khác chứ gì mà đến mức "giải nghệ" với "giải gừng". Cảm xúc của tôi thì đương nhiên là sẽ nhớ mãi những tình cảm của khán giả và anh em trong ê kíp đã dành cho tôi trong suốt thời gian thực hiện công việc này. Tôi học hỏi được rất nhiều và nhờ vai diễn, tôi có thêm những cơ hội khác trong cuộc sống và có thêm rất nhiều người bạn tốt. Điều đó với tôi quả thật là vô giá.

- Chương trình đã mang lại cho anh nhiều điều thuận lợi, vậy vì sao anh lại quyết định rút lui?

- Đây là sản phẩm của cả một ê kíp gần 20 người thực hiện nên việc làm thế nào, làm đến đâu đều có kế hoạch rõ ràng từ rất lâu rồi. Chúng tôi đơn giản là những thành viên trong ê kíp và thực hiện đúng kế hoạch sản xuất của mình mà thôi. Chẳng có lý do gì đặc biệt cả bạn ạ.

Đinh Tiến Dũng và Xuân Bắc tạo thành "cặp tung hứng" mang lại tiếng cười sảng khoái cho mọi người vào mỗi dịp cuối tuần.
- Đạo diễn Đỗ Thanh Hải từng nhận xét về anh trong một bài báo rằng "Đinh Tiến Dũng chỉ giỏi bằng 1/10 diễn viên hài Xuân Bắc". Anh nghĩ sao về lời nói này?

- Nếu mà nói về khả năng diễn xuất thì anh Hải nói tôi bằng 1/10 anh Bắc là còn quá ưu ái ấy chứ. Tôi nghĩ chắc chỉ bằng 1/100 là may. Thật tuyệt khi được làm cùng với anh Hải và anh Bắc. Tôi học hỏi được rất nhiều từ các anh, đặc biệt trong kỹ năng sáng tạo kịch bản và tìm lối thoát cho vấn đề, điều mà tôi chẳng bao giờ được đào tạo ở đâu cả.

- Nhưng cũng vì lời nhận xét này mà nhiều người đặt nghi vấn, anh rút khỏi "Hỏi xoáy đáp xoay" vì có mâu thuẫn với đạo diễn Đỗ Thanh Hải. Thực hư việc này thế nào?

- Tôi rất buồn cười vì nhận định này. Anh em chúng tôi là một ê kíp thân thiết với nhau từ nhiều năm nay, từ trước khi tôi trở thành "giáo sư" Xoay cơ mà. Anh Hải như người anh lớn của tôi, cái gì tôi làm đúng anh ghi nhận, cái gì tôi làm sai anh sẽ chỉ bảo tận tình. Làm gì có chuyện mâu thuẫn. Những thành công của tôi trên truyền hình và những kỹ năng viết kịch bản ngày hôm nay tôi có đều có sự giúp đỡ và chỉ bảo của anh Hải. Tôi cảm ơn anh ấy còn không hết, sao mà mâu thuẫn cho được.

- Đạo diễn Thanh Hải thì chê, trong khi nghệ sĩ Chí Trung lại dành cho anh nhiều lời khen, rằng anh cũng là một trong "mùi hương" trong "bộ tứ của triều đình" (gồm Giáo sư Xoay, Đỗ Thanh Hải, Chí Trung và Xuân Bắc). Anh nghĩ gì về những lời nói có “cánh” này?

- Anh Trung dành cho tôi những lời "tâng bốc" mà chính tôi đọc cũng thấy đỏ cả mặt. Tôi không được như lời anh Trung nói đâu. Chẳng qua anh Trung đang rủ rê tôi làm vài kịch bản mới cho anh ấy và ngỏ lời đi lưu diễn với đoàn kịch của anh Trung ở mấy tỉnh, nên anh ấy "động viên tạm ứng" cho tôi trước. Sau này tôi cũng khó lòng mà từ chối anh ấy. Tôi khá hiểu anh Trung mà (cười).
Đạo diễn Đỗ Thanh Hải chưa có phát ngôn chính thức về việc dừng sản xuất
Đạo diễn Đỗ Thanh Hải chưa có phát ngôn chính thức về việc dừng sản xuất "Hỏi xoáy đáp xoay" sau khi hai nhân vật chính của chương trình lần lượt "ra đi".

Tôi rất trân trọng tình cảm và sự quan tâm của các anh dành cho tôi. Hoạt động nghệ thuật chưa bao giờ là dễ dàng cả bởi nó có tính đào thải rất cao. Để đứng vững được với một người chuyên nghiệp đã khó, với tôi thì còn khó khăn hơn rất nhiều. Người xem sẽ nhìn vào sản phẩm cuối cùng, xem nó hay hay dở chứ nào quan tâm tác giả của nó là nghiệp dư hay chuyên nghiệp. Thế nên, nếu không có sự hỗ trợ của các đàn anh đàn chị, chắc chắn tôi "văng" ra ngoài từ lâu rồi.

- Sắp tới, anh có dự định gì tái ngộ khán giả truyền hình?

- Tôi cũng có vài dự định nhưng chưa hội tụ đủ điều kiện nên chưa thể nói cụ thể bây giờ. Trước mắt, tôi dốc sức cho công việc chuyên môn của mình tại FPT. Năm qua tôi đã bỏ đi chơi quá nhiều, đã đến lúc phải làm việc tử tế rồi, không thể lợi dụng mãi tình cảm của FPT dành cho tôi được.

"Vị giáo sư" với cái tên lạ Cù Trọng Xoay chính thức xuất hiện trong số đầu tiên Thư giãn cuối tuần lên sóng VTV3 vào ngày 28/8/2010. Anh xưng danh làm việc ở "Đại học Bôn ba" và đảm nhận nhiệm vụ trả lời tất cả những câu hỏi kiểu "đá xoáy" của Trần Xoáy (Xuân Bắc) về mọi vấn đề của cuộc sống với một phong cách dí dỏm, độc đáo và chẳng giống ai. Nhân vật thú vị này đã nhanh chóng trở thành "hiện tượng" gây sốt trên cộng đồng mạng. Tuy vậy, Cù Trọng Xoay cũng vấp phải luồng ý kiến trái chiều bởi nếu tự xưng "giáo sư" thì sẽ làm cho mọi người nhầm lẫn với chức danh cao quý. Thậm chí có người còn cho rằng, thật "nực cười" nếu đặt Giáo sư Xoay ngang hàng về học hàm với Giáo sư Ngô Bảo Châu - người làm vang danh nền Toán học Việt Nam ra toàn thế giới.

Càng bàn bán nhiều, người ta càng quan tâm đến danh tính thật của Cù Trọng Xoay. Bất cứ thông tin nào liên quan đến nhân vật này cũng khiến độc giả tò mò và thích thú tìm hiểu. Giáo sư Xoay tên thật là Đinh Tiến Dũng, sinh năm 1981 và đang giữ vai trò Phó ban Văn hóa Đoàn thể của tập đoàn FPT. Ngoài công việc chính, anh còn tham gia viết kịch bản cho chương trình Táo quân của ê kíp đạo diễn Đỗ Thanh Hải.

Đinh Tiến Dũng được mời tham gia chương trình Cặp đôi hoàn hảo 2011, ghép đôi với ca sĩ Phương Linh. Dù không sở hữu giọng hát thật sự xuất sắc, nhưng với tính hài hước, cách pha trò hóm hỉnh và gương mặt có phần ngây ngô, Giáo sư Xoay nhận được sự ủng hộ của rất nhiều khán giả truyền hình. Khi rời khỏi cuộc thi, cư dân mạng còn "ném đá" ban giám khảo vì đã loại "giáo sư". Thậm chí, nhạc sĩ Lê Minh Sơn khi "lỡ lời" chê bai Cù Trọng Xoay cũng bị "Hội phát cuồng" trên facebook của "giáo sư" đòi "tẩy chay".

Theo Ngôi Sao
.

Những bóng hồng trong thơ nhạc - Kỳ 6: Ảo ảnh cuộc tình

Sinh thời, nhạc sĩ Y Vân được nhiều người đánh giá là rất đứng đắn trong chuyện tình cảm. Nhưng nếu cứ thế thì “chất liệu” đâu để làm nên những tình khúc: Ngăn cách, Xa vắng, Thôi, Ảo ảnh... từng làm say đắm lòng người?
Hà Nội đêm Noel năm 1953, chàng thanh niên Trần Tấn Hậu (sinh năm 1933 tại Hà Nội, quê gốc Thanh Hóa) đi lang thang cùng với người bạn tên Nhân. Qua cửa Nhà thờ Lớn, phất phơ phía trước họ là hai tà áo dài tím, vàng. Hai chàng bèn đi theo. Tình cờ cô gái áo vàng quay lại, trái tim của Hậu như ngừng đập: một nhan sắc mê hồn. Kể từ giây phút ấy, đôi mắt của Hậu luôn dõi theo nét duyên dáng của cô gái áo vàng. Nhưng rồi nàng đã mất hút trong đám đông...
Dạo ấy, Trần Tấn Hậu đang dạy nhạc ở Trường Dũng Lạc (anh là học trò của Giáo sư Tạ Phước) và cũng đang tập tành sáng tác. Mỗi lần đi dạy, từ ngõ chợ Khâm Thiên anh chọn con đường Tràng Thi để đi bộ đến trường. Một hôm, anh ghé vào hiệu sách, chưa kịp mua thì thấy cô áo vàng lần nọ bước vào tiệm đàn bên cạnh. Thế là chàng bỏ luôn hiệu sách, tót qua tiệm đàn giả vờ hỏi mua sách nhạc, lân la đến bên nàng rồi làm quen bằng cách nhiệt tình hướng dẫn đồng thời chọn mua cho nàng cây đàn tốt nhất. Sau đó, người bạn tên Kỳ tìm gặp rồi dẫn anh đến nhà người bà con giàu có, đầy thế lực, để anh dạy đàn cho con gái nhà này (cũng là em họ của Kỳ): vẫn là... nàng!
 
Bìa bản nhạc Ảo ảnh do NXB Trẻ tái bản sau 1975 - Ảnh: tư liệu
 
Chân dung nhạc sĩ Y Vân do con trai trưởng của ông vẽ - Ảnh: tư liệu
Nàng tên là Tường Vân. Và từ đó tình yêu của họ mỗi ngày thêm khắng khít. Đến lúc này thì Tường Vân mới tiết lộ cho người yêu biết là cha mẹ đã hứa hôn nàng với một nơi rất “môn đăng hộ đối”, bất chấp sự phản đối của nàng. Khi gia đình biết được giữa con gái và anh nhạc sĩ nghèo đang nảy sinh tình cảm “đáng ngại” thì tìm cách ngăn cản, thậm chí còn tạo ra nhiều tình huống để vì lòng tự trọng, chàng nhạc sĩ phải chùn bước.
Mồ côi cha, Trần Tấn Hậu phải dắt díu mẹ và hai em (một gái, một trai - sau này là nhạc sĩ Y Vũ) nương náu trong một túp lều xiêu vẹo ở ngõ chợ Khâm Thiên. Là con trưởng nên gánh nặng gia đình đè nặng lên vai Hậu. Anh đi dạy đàn để nuôi mẹ và các em (sự thảo hiếu của anh, có lẽ người Việt Nam nào cũng biết được qua bản nhạc bất hủ Lòng mẹ). Trước khi đoạn tuyệt với mối tình thật đẹp nhưng ngắn ngủi này, trong nhớ thương đau khổ anh đã sáng tác ca khúc Tình ta nở giữa mùa đông tặng người yêu. Bản nhạc được ký tên “Y Vân” và chàng giải thích “Y Vân có nghĩa là... yêu Vân”.
Ảo ảnh
Y Vân lập gia đình năm 1963, lúc này anh đã là trưởng ban nhạc Y Vân danh tiếng ở Sài Gòn (cùng với sự cộng tác của các ca sĩ Thanh Thoại, Tuyết Mai, Mai Hương...). Một buổi trưa năm 1965, từ đài phát thanh, Y Vân dắt xe máy ra cổng chuẩn bị về thì có một chú bé chạy đến mời anh vào quán nước cạnh đấy. Nơi đây, một thiếu nữ khá xinh ngồi chờ sẵn, chú bé giới thiệu đó là chị của mình, tên Huyền, đang là sinh viên Ban Việt-Hán, Đại học Văn khoa Sài Gòn. Huyền có đôi mắt to, đen và buồn. Trên bâu áo của nàng có chít một mảnh tang đen. Y Vân cố nhớ lại xem mình đã gặp cô gái này ở đâu chưa, nhưng chịu thua. Theo phép xã giao anh ngỏ lời chia buồn. Nhưng cô gái lắc đầu, buồn bã: “Em đâu có người thân nào qua đời. Mảnh tang này là dành cho mối tình của em đó!”. Y Vân sượng sùng, anh cũng manh nha đoán rằng phải có một điều bí ẩn gì đó mới khiến cô gái này vượt qua nỗi e dè thường thấy của phái nữ, không ngại điều thị phi để đánh bạo gặp anh, nhưng cũng khó mở miệng để hỏi, đành chỉ ngồi nói chuyện bâng quơ một lát rồi viện cớ cáo từ.
Hai hôm sau, Y Vân tìm đến nhà Huyền theo địa chỉ cô đã cho. Đó là một căn nhà vách gỗ đơn sơ nhưng ngăn nắp, sạch sẽ nằm bên chiếc ao rau muống trong con hẻm đường Trương Minh Giảng (gần chợ Phú Nhuận bây giờ). Huyền không có nhà nhưng cậu em trai đã thổ lộ với chàng nhạc sĩ những điều thầm kín của chị mình. Chú bé cho biết họ là con của một địa chủ tiếng tăm ở Long An, được gia đình gửi lên Sài Gòn trọ học. Huyền rất thích âm nhạc và ca hát, đặc biệt là thích nhạc của tác giả Y Vân. Những cuốn vở học trò của Huyền cũng được cô kẻ khung, chép nhạc (hầu hết là nhạc của Y Vân). Tiền gia đình gửi lên để Huyền hoàn tất chương trình cử nhân Văn khoa lại được nàng đem đóng học phí vào... lớp dạy đàn Tây Ban cầm. Suốt ngày Huyền chỉ ôm đàn và hát nhạc Y Vân.
Việc học bê trễ, mấy năm liền chẳng đậu thêm được chứng chỉ nào. Thấy vậy, ông bố đã bắt hai chị em về quê, ép gả Huyền cho một anh trung úy hải quân. Huyền quyết liệt từ chối. Bẽ mặt với nhà trai, ông bố đăng báo từ con. Huyền đau khổ, trút tâm sự với em trai rằng đã yêu nhạc sĩ Y Vân. Sau khi bàn tính, hai chị em trốn nhà lên Sài Gòn, Huyền phải tìm việc làm để mưu sinh và nuôi hy vọng có ngày sẽ được cùng người trong mộng kết tóc se tơ. Sau nhiều lần dò hỏi, biết chắc nhạc sĩ Y Vân đã có gia đình, Huyền làm một mảnh tang đen, luôn đeo nó trên bâu áo.
Nhưng lòng nàng lúc nào cũng tơ tưởng đến nhạc sĩ tài hoa. Nàng đã nhờ em trai tìm cách cho nàng gặp anh để nói với anh điều này. Nhưng khi gặp, nàng lại không dám nói. Y Vân ra về như chạy. Và ca khúc Ảo ảnh ra đời sau đó: “...Những ân tình em đong bằng nước mắt. Khóc cho đầy hai chữ tình yêu. Phấn hương nồng anh xem tựa tấm áo, đã thay màu ân ái từ lâu. Những neo thuyền yêu thương thường dễ đứt, khiến bao chiều trên bến tịch liêu. Vắng con tàu sân ga thường héo hắt. Thiếu em lòng anh thấy quạnh hiu...”.
Hà Đình Nguyên


  Đình Đức tải nhạc

Những bóng hồng trong thơ nhạc - Kỳ 7: Em đến thăm anh một chiều mưa

Nói đến nhạc sĩ Tô Vũ, hẳn người ta nhớ đến những ca khúc đã 65 tuổi: Tiếng chuông chiều thu, Tạ từ và nhất là Em đến thăm anh một chiều mưa...
>> Kỳ 6: Ảo ảnh cuộc tình
Giáo sư - nhạc sĩ Tô Vũ tên thật là Hoàng Phú, sinh năm 1923 tại Bắc Giang nhưng sống từ thời thơ ấu đến hết tuổi thanh niên ở Hải Phòng, tạo dựng sự nghiệp tận Hà Nội và cuối cùng chọn TP.HCM làm nơi an hưởng tuổi già.
Thời niên thiếu (những năm 1930), ông cùng anh ruột là nhạc sĩ Hoàng Quý (tác giả ca khúc Cô láng giềng nổi tiếng) vốn theo học đàn nguyệt nhưng chính thầy lại khuyên hai anh em nên học một nhạc cụ phương Tây và giới thiệu họ đàn violon. Sau đó, hai anh em gặp một phụ nữ người Pháp tên Leprêtre - chủ cửa hiệu Orphée, chuyên bán nhạc cụ và sách nhạc Tây ở Hải Phòng. Tuy nhiên, người tích cực khuyến khích hai anh em họ Hoàng đi theo “âm nhạc cải cách” (tân nhạc) là thầy dạy môn văn chương Pháp: thầy Ngô Đình Hộ (tức nhạc sĩ Lê Thương, tác giả 3 bài Hòn vọng phu bất hủ), để cùng thầy biểu diễn trong các tiết mục văn nghệ của trường. Thầy cũng hướng dẫn cho các học trò tập tành sáng tác...
Năm 1943, Hoàng Phú lập nhóm Đồng Vọng, quy tụ một số bạn bè, anh em như: Phạm Ngữ, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Hoàng Quý, Văn Cao… Nhóm sáng tác được khoảng 60 ca khúc mang nội dung ca ngợi đất nước, ca ngợi truyền thống anh hùng dân tộc.
 
Bìa bản nhạc Em đến thăm anh một chiều mưa - Ảnh: Tư liệu
Hai anh em họ Hoàng tham gia Việt Minh từ rất sớm. Kháng chiến bùng nổ, Hoàng Phú gia nhập Ban Văn nghệ tuyên truyền Kiến An (Hải Phòng), còn Hoàng Quý cũng tích cực sáng tác và hoạt động cách mạng. Các ca khúc Cảm tử quân, Sa trường hành khúc... ra đời trong giai đoạn này. Nhưng vì mắc bệnh nan y nên Hoàng Quý qua đời rất sớm khi mới 26 tuổi (nhạc sĩ mất ngày 26.6.1946).
Riêng về ca khúc Em đến thăm anh một chiều mưa, nhạc sĩ Tô Vũ kể với người viết trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 11.2002: “Bản nhạc được tôi viết năm 1947, khi đơn vị tuyên truyền huyện Kiến An chúng tôi tiếp nhận 3 nữ cứu thương của huyện Tiên Lãng đi phục vụ chiến đấu bị lạc đường. Tôi và 2 người bạn ở trong một ngôi đình. Khi chúng tôi tập hát thì các cô này rủ nhau tới xem. Thoạt đầu họ còn e dè nhưng sau đó cũng nhận lời tập múa hát chung với chúng tôi. Trong đó, một cô hát rất hay và vững nhịp nên thường song ca với tôi. Mỗi lần đi biểu diễn, tiết mục của chúng tôi được hoan hô nhiều nhất. Nhưng chỉ khoảng 2 tháng sau thì ba cô gái này phải trở về đơn vị cũ, cách chỗ tôi khoảng 8 km. Khi chia tay, chúng tôi ước hẹn sẽ sang thăm nhau vào chủ nhật mỗi tuần. Nếu họ không qua thì ba đứa tôi sang, nếu cả hai bên cùng sang thì sẽ gặp nhau ở giữa đường, bởi là đường độc đạo và phải qua một bến sông. Hôm ấy trời mưa, chúng tôi không thể sang bên kia thăm được. Buổi chiều trời vẫn mưa. Tôi đang “trụ trì” ngôi đình (hai ông bạn kia đã đi chơi) thì đột nhiên “em” một mình đội mưa đến. Xúc động đến bồi hồi, tôi đã viết: “Em đến thăm anh một chiều đông. Em đến thăm anh một chiều mưa. Mưa dầm dề, đường trơn ướt tiêu điều. Em đến thăm anh, người em gái...”. Ở chữ “gái”, tôi chọn nốt “si bémol” (si giáng) lửng lơ mà khi hát lên, nghe rất… nũng nịu, không chút gì giống với “người em gái” bình thường cả. Tuy nhiên, theo thời gian tôi không tài nào nhớ nổi người nào trong số 3 cô gái đã “hiện ra” trong buổi chiều mưa năm ấy. Sau này, tôi cũng đã lần lượt gặp lại từng “cố nhân”. Có người nhận “là em đấy!” nhưng tôi không tin. Có người lại chối phắt, người còn lại thì không tiện hỏi... đành phải tan giấc mơ hoa: “...Ta ước mơ một chiều thêu nắng. Em đến chơi quên niềm cay đắng và quên... đường về!”.
 
GS-NS Tô Vũ - Ảnh: H.Đ.N
Nhạc sĩ Tô Vũ nói thêm: “Còn bài Tạ từ là tôi viết giùm cho một người bạn vào năm 1947, anh ấy tên Nguyễn Văn Huấn (mấy năm trước anh là bác sĩ, sống ở Pháp, giờ không biết còn hay đã mất?). Anh Huấn đem lòng yêu một thiếu nữ Hà Nội tên Ánh Hà theo gia đình sơ tán về Thái Bình. Sau đó, gia đình cô này quay lại Hà Nội. Anh Huấn chơi đàn violon rất giỏi nên nhờ tôi soạn một ca khúc dành cho violon để anh ấy... “tạ từ” người yêu”.
Riêng nghệ danh Tô Vũ thì: “Trước đó tôi có 4 học bổng đi học ở Pháp, khi anh Hoàng Quý mất, tôi phải về xin dạy hợp đồng ở Trường Bình Chuẩn (Hải Phòng) để nuôi các em. Lúc ấy, mấy ông bạn từ Hà Nội xuống Hải Phòng chơi với bọn tôi như Văn Cao, Nguyễn Đình Thi đều để râu như một kiểu “mốt”. Tôi cũng bắt chước để râu và mặc bộ quần áo nâu như họ. Có một ông đem cho tôi cái nón Sơn Tây. Trời mưa, đường trơn đi phải chống gậy. Thế là có người bảo tôi giống hệt cái hình vẽ tích ông Tô Vũ chăn dê trên lọ độc bình. Rồi người ta cứ gọi tôi là “ông Tô Vũ chăn dê”. Tôi tức lắm, bèn lấy cho mình cái bí danh là “Hoàng Minh Vọng” nhưng đi đâu người ta cũng cứ: “Ơ... ơ... ông Tô Vũ chăn dê đi đâu đấy? Vào đây hát một bài...”. Năm 1948, tôi là đại biểu duy nhất của Chiến khu 3 đi dự Đại hội Văn hóa Văn nghệ toàn quốc lần thứ nhất. Một anh nhanh nhảu giới thiệu: “Có nhạc sĩ Tô Vũ ở Chiến khu 3 lên trình diễn một bài”. Xuống sân khấu tôi vẫn rất hậm hực: Đã giới thiệu mình là Hoàng Minh Vọng mà vẫn bị gọi là Tô Vũ. Tôi đem chuyện này nói với người ngồi bên cạnh (sau này mới biết là nhà thơ Thế Lữ). Thế Lữ trầm ngâm một lúc rồi bảo: “Đấy là tên nhân dân đặt cho anh. Thôi anh bỏ cái tên Hoàng Minh Vọng đi!”. Tôi mang cái tên Tô Vũ mà mình không hề tự đặt từ đó”.
Hà Đình Nguyên
BẠN ĐỌC PHẢN HỒI - COMMENT (1)
tuy can
Tác giã Hà Đình Nguyên có công nghiên cứu hay thật, vì tôi cũng được xem phần lịch sử của những nhạc sĩ thời tiến chiến trên VTV4 đôi ba năm trước đây . Riêng về Tô Vũ , thì tôi cũng rất thích 3 bài như Tiếng Chưông Chiều Thu do NSND Lê Dung hát , và Anh Đến Thăm Em Một Chiều Mưa do NSƯT Thanh Lam hát , và bài Tạ Từ thì tôi gần như thuộc lòng và do Duy Trác hát , nếu như tôi không lầm ! Tôi có biên tập một CD Nhạc Tiền Chiến cách đây vài tháng có những bài cũa Tô Vũ , Đoàn Chuẩn , Văn Cao , Nguyễn Văn Khánh , v.v... và nâng âm thanh lên cấp THD nên ai nghe cũng đều khen là hay ! Chỉ tiếc là tôi không post lên đây được để tặng các bạn thưởng thức . Nhạc VN ở tầm cao không thiếu , chỉ thiếu ca sĩ tầm cao thể hiện thôi , nên tối hôm qua xem NSND Quang Thọ hát trên truyền hình ở Mỹ 3 bái Áo Lụa Hà Đông , Biển và Rừng , và sau cùng là bài Ngọn Nến , nghe xong mà cứ luyến tiếc và thổn thức bồi hồi !!!! !.

Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2012

Những bóng hồng trong thơ nhạc - Kỳ 7: Tiếng cười và nỗi đau trong Quê hương

Bài thơ Quê hương nổi tiếng của Giang Nam từng được đưa vào sách giáo khoa và bao thế hệ học trò đã thuộc lòng từng câu, từng chữ...
Ở đó, người đọc bị cuốn hút, ám ảnh bởi những tiếng cười khúc khích thật hồn nhiên để rồi bỗng thấy hụt hẫng khi nghe tin dữ...
Ở phần mở đầu bài thơ: Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường/Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ/“Ai bảo chăn trâu là khổ?”/Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao..., có lẽ lúc hoài niệm về thời thơ ấu, trong ký ức của tác giả đã hiện lên thấp thoáng những câu hát của... Phạm Duy: Ai bảo chăn trâu là khổ?Chăn trâu sướng lắm chứ!Ngồi mình trâu phất ngọn cờ lau và miệng hát nghêu ngao... (Em bé quê). Bởi nếu không thì tác giả đã không để câu Ai bảo chăn trâu là khổ trong ngoặc kép. Tuy nhiên, dẫu có như vậy thì câu này cũng liền mạch với một tứ thơ hết sức trong trẻo, hồn nhiên: ... Những ngày trốn học/Đuổi bướm cầu ao/Mẹ bắt được/Chưa đánh roi nào đã khóc!/Có cô bé nhà bên/Nhìn tôi cười khúc khích... Một điều chắc chắn rằng, sở dĩ bài thơ có sức hấp dẫn người đọc là bởi tuy tác giả sử dụng những câu chữ mộc mạc nhưng lại khéo dụng công ở những lần “cô bé nhà bên cười khúc khích”, tạo nên một ấn tượng khó quên...
“Cô bé” ấy là ai?
“Cô bé” ấy tên thật là Phạm Thị Triều, sinh ra trong một gia đình có nghề làm mắm gia truyền ở Vĩnh Trường (Nha Trang). Nghề làm mắm cũng là để đóng góp kinh tài cho cách mạng. Cô bé Triều mới “trổ mã” đã theo chị gái lên căn cứ Đồng Bò. Gia đình thấy Triều còn nhỏ quá, cho người nhắn về nhưng cô nhất quyết không về. Khi mặt trận Nha Trang vỡ, Triều được điều về làm ở khối Dân chính của Tỉnh ủy Phú Khánh, đóng ở Đá Bàn. Chính nơi đây, cô đã gặp chàng trai sau này trở thành nhà thơ Giang Nam...
Còn anh chàng Nguyễn Sung (tên thật của Giang Nam), mới 16 tuổi đã bỏ học giữa chừng vì nhà trường đóng cửa do thời cuộc (Nhật đảo chính Pháp tháng 8.1945). Cậu theo anh trai là nhà cách mạng Nguyễn Lưu tham gia Việt Minh ở mặt trận Phú Khánh. Khoảng đầu năm 1954, Nguyễn Sung được điều về căn cứ Đá Bàn và anh bộ đội trẻ đã “ngẩn ngơ” trong lần đầu gặp Phạm Thị Triều.
Ít lâu sau anh biết thêm rằng không phải chỉ mình anh mà cả đám lính trẻ cũng thường tìm cớ này, cớ nọ để tạt vào cơ quan chỉ để... nhìn cô Triều một cái. “Bạo phổi” lắm thì cũng chỉ nói vu vơ một câu rồi... biến! Chuyện yêu đương, trai gái trong cùng tổ chức hồi ấy hầu như bị cấm nghiêm ngặt. Tuy nhiên, là một anh lính có “chút thơ văn” nên Nguyễn Sung vẫn nghĩ được cách tiếp cận người đẹp. Trước tiên, anh vận dụng khả năng thơ văn của mình để được giao nhiệm vụ chạy công văn. Và thế là mỗi lần đưa công văn đến cơ quan, anh lại kèm theo một lá thư (viết sẵn) cho nàng mà không nói năng, hỏi han gì thêm vì sợ lộ. Phải hơn một tuần sau lá thư thứ hai, anh mới “sướng rêm người” khi được nàng “ừ” (trong bức thư hồi âm)...
Yêu nhau “kín đáo” như thế mà vẫn không giấu được ai, may mà cả anh lẫn chị đều được anh em thương mến nên trước ngày anh ra Bình Định tham gia Đoàn Sĩ quan liên bộ đình chiến, chuẩn bị cho việc ký kết Hiệp định Genève, cơ quan đã tổ chức đám cưới cho họ. Sống với nhau được hai đêm thì anh lên đường, còn chị trở lại Nha Trang... Từ buổi đó, đôi vợ chồng trẻ phải luôn chịu cảnh xa cách, gian truân...
Sau Hiệp định Genève (tháng 7.1954), Nguyễn Sung vào hoạt động trong lòng địch, trong vai trò công nhân ở một xưởng cưa và âm thầm viết cho tờ Gió mới - là tờ báo hợp pháp ở Nha Trang. Tuy hoạt động cùng địa bàn nhưng đôi vợ chồng son vẫn không thể gặp nhau vì khác tuyến, phải tuân giữ kỷ luật khắt khe để không bị lộ... Mãi đến năm 1958, tổ chức chuyển vùng công tác cho họ vào Biên Hòa thì họ mới thật sự có những ngày hạnh phúc bên nhau, dù khoảng thời gian này cũng rất ngắn ngủi. Họ thuê một căn nhà nhỏ trong xóm lao động nghèo. Ông làm mướn cho một nhà thầu khoán, còn bà buôn bán lặt vặt...
Một thời gian sau, tổ chức lại rút ông về lại Khánh Hòa, bà Triều ở lại một mình nuôi con. Mỗi đêm, nghe con gái khóc ngằn ngặt vì nhớ cha, bà Triều phải lấy chiếc áo cũ của chồng đắp lên người con để “có hơi của ông ấy cho nó nín khóc”. Sau này, ông đã mượn lời vợ, và mượn luôn sự cố khóc đêm của con để bày tỏ nỗi nhớ thương: Con nhớ anh thường đêm biếng ngủ/Nó khóc làm em cũng khóc theo/Anh gởi về em manh áo cũ/Đắp cho con đỡ nhớ anh nhiều... (Lá thư thành phố).
Quê hương ra đời trong hoàn cảnh nào?
Trong hồi ký Sống và viết ở chiến trường, Giang Nam đã kể lại như sau: “Bài thơ Quê hương ra đời năm 1960, dưới chân núi Hòn Dù, cách TP.Nha Trang hơn 40 cây số về phía tây. Lúc ấy, tôi đang là Phó ban Tuyên huấn của Tỉnh ủy Khánh Hòa. Chiều hôm ấy, anh Phó bí thư Tỉnh ủy đã gọi tôi lên chỗ anh ở (một căn chòi nhỏ giữa rừng). Anh ân cần hỏi thăm tôi về tình hình công tác, sức khỏe... Tôi linh cảm thấy có điều gì không bình thường. Quả nhiên sau đó, anh nói thật: Tin của cơ sở trong thành vừa báo cho biết vợ và con gái tôi bị địch bắt trước đó hơn một năm đã bị chúng thủ tiêu... Tôi bàng hoàng, trời đất như sập xuống đầu mình... Trong nỗi đau đớn tột cùng, tôi ngồi trong căn chòi nhỏ, trước mắt là ngọn đèn dầu lù mù được che kín ba mặt, tôi đã viết một mạch xong bài thơ, không xóa sửa chút nào... Không phải tôi làm thơ mà là ghi lại những ký ức, những hình ảnh đã trở thành máu thịt trong tôi. Từng đoạn nước mắt tôi trào ra, nhất là ở hai câu cuối của bài: Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất/Có một phần xương thịt của em tôi”.
Bài thơ được ký tên Giang Nam, bởi dạo còn đi học ông rất thích những câu thơ của Hồ Dzếnh: Tô Châu lớp lớp phủ kiều/Trăng đêm Dương Tử, mây chiều Giang Nam... Sau đó, ông gửi bài thơ theo đường giao liên cho Báo Thống Nhất (Hà Nội), vì chỉ có tờ báo này được chuyển vào chiến trường phía Nam. Khoảng tháng 8.1961, trên đường công tác qua huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa), qua chiếc radio, ông nghe Đài phát thanh Việt Nam đọc bài thơ Quê hương và thông báo bài thơ này đoạt giải nhì của Báo Văn nghệ. Trong giây phút vui mừng đó, hình ảnh thân yêu của vợ con ông lại ùa về, ông bật khóc...
Đinh ninh là vợ con mình đã chết, Giang Nam lao vào công tác, nhất là trên mặt trận văn hóa. Bỗng giữa năm 1962, vợ con ông được thả về vì địch không tìm được chứng cứ. Sum họp chưa được bao lâu, vợ ông lại bị bắt lần thứ hai (1968), đứa con gái cứ bám riết lấy mẹ nên cũng... bị tù. Mãi đến năm 1973 họ mới được trả tự do...
Hiện nay, đôi “bách niên - đồng chí” đều đã qua ngưỡng tuổi 80, họ vẫn hạnh phúc bên nhau trong căn nhà số 46 đường Yersin (TP.Nha Trang).
Hà Đình Nguyên


Những bóng hồng trong thơ nhạc - Kỳ 8: Từ “tiếng hát học trò” đến Giọng ca dĩ vãng



Tôi gặp nhạc sĩ Bảo Thu vào một sáng trung tuần tháng 10.2011 ở hành lang Bích Câu trong Cung văn hóa Lao động (TP.HCM). Lúc này, anh đang “cuốn gói” sau thời gian trưng bày gian hàng bán dụng cụ ảo thuật từ một hội chợ diễn ra ở đây.
>> Kỳ 7: Tiếng cười và nỗi đau trong Quê hương
Vậy là anh gắn bó với “nghiệp” ảo thuật đến gần 60 năm rồi. Bảo Thu kể năm 16 tuổi (1960), anh nổi tiếng trong làng ảo thuật với nghệ danh Nguyễn Khuyến (anh tên thật là Nguyễn Trung Khuyến). Chơi chung với anh là Tùng Phương - một nghệ sĩ đàn guitar, dạo mới 11 tuổi đã nổi tiếng là “thần đồng độc tấu Tây ban cầm”. Những lúc ngồi đợi đến lượt diễn, anh thường “nghịch ngợm” với đám nhạc cụ (trống, guitar…). Tiếng là nghịch nhưng thực ra anh đã chơi được mandolin và học nhạc lý căn bản từ hồi 8 tuổi, lại “học lóm” của Tùng Phương vài chiêu nên cũng không quá khó để xử lý mấy món “đồ chơi” này. Thấy Khuyến có năng khiếu, nhạc sĩ Lâm Tuyền tỏ ý muốn dạy nhạc miễn phí cho cậu. Khuyến muốn học nhưng lại không có đàn, vậy là ông thầy bao luôn cây đàn cho học trò. Chẳng mấy chốc, Khuyến trở thành một nhạc công chuyên nghiệp, có thể “trám” vào bất cứ vị trí nào trong ban nhạc (guitar, trống, bass…). Hành trình âm nhạc của chàng trai sau này trở thành nhạc sĩ Bảo Thu bắt đầu từ đó.
 
Nhạc sĩ Bảo Thu - Ảnh: H.Đ.N
Dạo ấy (khoảng 1965), ở Sài Gòn có nhiều nhạc sĩ mở lò đào tạo ca sĩ (nếu gọi là “trung tâm” thì lớn quá, gọi là “lớp” cũng không đúng, cho nên gọi “lò” là chính xác nhất). Với ban Việt Nhi, cả khi thu âm ở đài phát thanh hay tập dượt ở nhà riêng của nhạc sĩ Nguyễn Đức, hễ thiếu nhạc công là nhạc sĩ gọi Nguyễn Khuyến đến. Ban Việt Nhi gồm toàn những cô gái tuổi dậy thì (khoảng 14, 15 tuổi), hát rất hay và mắt liếc sắc như dao.
Có một cặp mắt trong ban Việt Nhi làm Nguyễn Khuyến xuyến xao. Nàng tên T., nhỏ hơn Khuyến 5 tuổi, dáng người thanh mảnh với đôi mắt to, long lanh. Mái tóc của T. luôn uốn cong cong như một vầng trăng khuyết, che lấp một phần má (sau này Khuyến mới biết, kiểu tóc đặc biệt này là để che một vết sẹo mà tạo hóa đã chơi “khăm” để lại trên má nàng)… Khi đã thân thiết, Khuyến mới biết nhà T. ở đường Tôn Đản (Q.4), gần nhà mình. Vậy là ngoài những buổi tập hát ở nhà thầy Nguyễn Đức, đôi bạn còn có dịp cận kề ở nhà của T. để “…Mỗi lần em buông tiếng hát, thì anh tay phím nắn nót cung đàn. Từng nhịp nhặt khoan anh khẽ dìu theo tiếng em. Nhẹ dìu lời ca em thăng trầm theo từng lúc. Và rồi hờn yêu trong mỗi lần em hát sai. Em nũng nịu cười, nói: “Sai là tại anh!” (Giọng ca dĩ vãng).
 
Bìa ấn phẩm ca khúc Giọng ca dĩ vãng
Bảo Thu tâm sự: “Tôi trở thành nhạc sĩ chính là do T. tạo niềm cảm hứng. Tôi nhớ mãi một hôm nàng chợt bảo tôi: “Có khi nào anh hình dung rằng có một người con gái ngồi bên song cửa mơ màng và chợt nhớ đến anh”. Câu nói ấy cứ ám ảnh tôi mãi, và từ ý này tôi ôm đàn viết nhạc, đó là ca khúc đầu tay Ước vọng tương phùng ký bằng tên thật. Tưởng viết nhạc chơi cho vui, ai dè Ước vọng tương phùng được giải thưởng của đài phát thanh. Có hứng, tôi viết tiếp vài ca khúc nữa nhưng thú thực là không thành công. Lại một hôm, T. hỏi tôi: “Anh đã nghĩ đến chuyện lập gia đình chưa?”. Tôi trả lời mình còn nhỏ tuổi, lại chưa có công danh sự nghiệp gì nên cũng chưa nghĩ đến chuyện vợ con (lúc đó tôi mới 21 tuổi, còn T. 16). Chợt T. nói nhỏ cho tôi biết là gia đình em đã hứa hôn cho em với một người. Tôi biết nàng ngầm gợi một điều gì đó ở tôi nhưng tôi chẳng biết phải làm sao hơn ngoài sự hụt hẫng, buồn đến nao lòng… Thế là tôi viết: “Ngày nào mình chưa quen biết, ngỡ ngàng khi đứng bên nhau. Ngày nay đã mến nhau rồi, vẫn còn nhìn nhau không nói… Lần đầu gặp anh em hứa, chúng mình sẽ mãi bên nhau. Giờ đây đôi ngả chia lìa. Chớ hỏi vì sao tôi buồn…” (Đừng hỏi vì sao tôi buồn). Lần này tôi ký tên Bảo Thu. Nghệ danh này là do tôi “mượn” từ tên những cô bạn gái: Bích Bảo, Thanh Thu (Đà Lạt) và Xuân Thu (Sài Gòn)...”.
Rồi cũng đến lúc T. tách khỏi ban Việt Nhi để hát đơn ca. Nàng hay mặc áo dài trắng hát trên sân khấu nên được khán giả và giới báo chí thời đó mệnh danh là “Tiếng hát học trò”. Từ danh xưng này, Bảo Thu lại viết ca khúc Tôi yêu tiếng hát học trò để bày tỏ nỗi lòng. T. thừa biết tình cảm của Thu dành cho nàng. Tuy nhiên, với cốt cách gia giáo, T. vẫn giữ một khoảng cách chừng mực khi tiếp xúc với Thu.
Khoảng 3 năm sau, bạn bè trong giới văn nghệ kháo nhau “T. sắp lấy chồng”. Để tránh cho nàng khó xử, Thu không đến tập hát cho nàng nữa. Trong những cơn buồn thấm thía, ông viết Giọng ca dĩ vãng: “Nhưng em nuôi mộng ước về tương lai, hoa mai giăng ngập nẻo đường em đi. Rồi em đành chối tiếng giao hòa, từ ly là tiếng thét đau lòng, sầu đưa lối... Lời ca ngày ấy đã xa rồi, mà ai còn chuốt mãi cung đàn, vọng về tim...”. Bài hát do Bảo Thu tự xuất bản (1967), bìa do một họa sĩ vẽ với người mẫu là ca sĩ Kim Loan. Lúc này hãng đĩa Sơn Ca của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông mới thành lập và lần đầu tiên ca sĩ Giao Linh được mời thu đĩa, Giao Linh đã chọn bài Giọng ca dĩ vãng. Trước Giao Linh cũng có nhiều ca sĩ hát Giọng ca dĩ vãng, trong đó có cả T. nhưng phải nói chính Giao Linh đã đẩy Giọng ca dĩ vãng lên đỉnh. Số lượng in ra lên đến 500.000 bản, mỗi bản bán 20 đồng. Tính ra trên 1.000 lượng vàng thu được từ tiền bán ấn phẩm ca khúc này. Sau đó, Bảo Thu viết tiếp ca khúc Vọng về tim nhưng không thành công cho lắm.
Nhạc sĩ Bảo Thu nhớ lại: “Sau năm 1975, tôi chưa một lần gặp lại T., nghe nói gia đình T. đã định cư ở Mỹ. Vừa rồi tháng 7.2011, Trung tâm Thúy Nga Paris có đến phỏng vấn tôi tại nhà, hỏi về trường hợp tôi viết ca khúc Giọng ca dĩ vãng. Tôi bảo chuyện này rất tế nhị, bởi tôi nói ra biết đâu lại gây tổn thương cho T. cũng như phương hại đến hạnh phúc gia đình T. Họ cho tôi biết chồng của T. đã qua đời. Tôi lại thấy hụt hẫng… Không hiểu sao, mỗi khi hát Giọng ca dĩ vãng, đến câu cuối “Cung lỡ dây chùng, mấy ai đàn đừng sai”, tôi lại thấy có một cái gì đó xót xa cho những cặp tình nhân đã từng một thời quấn quýt nay phải rời xa”.
Hà Đình Nguyên


Những bóng hồng trong thơ nhạc - Kỳ 5: Nửa hồn thương đau

Những tình khúc Nửa hồn thương đau, Người đi qua đời tôi... của nhạc sĩ Phạm Đình Chương đã quá quen thuộc với công chúng từ hơn nửa thế kỷ qua. Tuy nhiên, hoàn cảnh ra đời các ca khúc tuyệt vời này lại thấm đẫm một nỗi buồn...


.
Nhạc sĩ Phạm Đình Chương sinh năm 1929 tại Hà Nội trong một gia đình giàu truyền thống âm nhạc. Cha ông là một nghệ sĩ đàn tranh, còn mẹ ông là nghệ sĩ đàn bầu. Cả hai chơi đàn rất tuyệt.
Phạm Đình Chương bắt đầu sáng tác vào năm 1947 khi vừa 18 tuổi. Hầu hết những sáng tác của ông trong giai đoạn này có phong cách tươi trẻ, hùng tráng như Hò leo núi, Sáng rừng, Trăng rừng, Trăng Mường Luông, Ra đi khi trời vừa sáng (viết chung với Phạm Duy)...
 
Phạm Đình Chương và ca sĩ Thái Thanh - Ảnh: Tư liệu
Năm 1951, Phạm Đình Chương chuyển vào Nam, và ban hợp ca Thăng Long được thành lập với những thành viên là anh chị em ruột trong gia đình gồm: Hoài Trung (Phạm Đình Viêm), Thái Hằng (Phạm Thị Quang Thái), Hoài Bắc (Phạm Đình Chương), Thái Thanh (Phạm Thị Băng Thanh), đôi khi còn có sự góp mặt của ca sĩ Khánh Ngọc. Ban hợp ca này mau chóng trở nên nổi tiếng. Trong khoảng gần 10 năm tiếp theo, Phạm Đình Chương đã sáng tác được nhiều ca khúc tuyệt vời như Tiếng dân chài, Được mùa, Đợi chờ, Xóm đêm, Ly rượu mừng, Đón xuân... đặc biệt là trường ca Hội Trùng dương (Tiếng sông Hồng, Tiếng sông Hương và Tiếng sông Cửu Long).
Trước đây, nhiều người từng cho rằng Phạm Đình Chương thật đáng tự hào khi là “sở hữu chủ” của một giai nhân kiều diễm và có một thân hình bốc lửa như nữ ca sĩ Khánh Ngọc (biệt danh “ngọn núi lửa”). Danh tiếng của Khánh Ngọc nổi như cồn trong khoảng 5 năm (từ 1955-1960), không chỉ trong lĩnh vực ca nhạc mà cả trong điện ảnh, cô nổi tiếng trước cả Kiều Chinh, Thẩm Thúy Hằng, Kim Cương... Sau biến cố được cho là do vợ ngoại tình, Phạm Đình Chương ly dị vợ, và ông được quyền nuôi đứa con trai (lúc đó khoảng 4-5 tuổi).
Thời gian này, Phạm Đình Chương không còn tâm trí để cùng biểu diễn với ban hợp ca Thăng Long được nữa. Ông sống khép kín, ít giao thiệp với bên ngoài. Cũng từ đây, những bản tình ca ai oán của Phạm Đình Chương đã ra đời trong nước mắt. Những nốt nhạc là kết tinh của những cơn đau thương, của những hoài niệm xót xa, với những ca từ bi thiết, đó là những ca khúc: Đêm cuối cùng, Thuở ban đầu...
Riêng với 2 ca khúc Người đi qua đời tôi và Nửa hồn thương đau thì trong tâm trạng đau đớn tột cùng bởi gia đình tan nát, chia lìa, Phạm Đình Chương đã tìm thấy sự đồng cảm từ bài thơ của Trần Dạ Từ: “Người đi qua đời tôi trong những chiều đông sầu. Mưa mù lên mấy vai, gió mù lên mấy trời. Người đi qua đời tôi, hồn lưng miền rét mướt. Vàng xưa đầy dấu chân, đen tối vùng lãng quên. Bàn tay mềm khói sương, tiếng hát nào hơ nóng. Và ai qua đời tôi, chiều âm vang ngàn sóng, trên lối về nghĩa trang... Người đi qua đời tôi, không nhớ gì sao người... Em đi qua đời anh, không nhớ gì sao em” (Người đi qua đời tôi). Đặc biệt, từ bài thơ Lệ đá xanh của Thanh Tâm Tuyền, ông đã viết thêm ý rồi đổi tựa để thành ca khúc Nửa hồn thương đau bất hủ: “Nhắm mắt cho tôi tìm một thoáng hương xưa, cho tôi về đường cũ nên thơ, cho tôi gặp người xưa ước mơ. Hay chỉ là giấc mơ thôi, nghe tình đang chết trong tôi, cho lòng tiếc nuối, xót thương suốt đời. Nhắm mắt ôi sao nửa hồn bỗng thương đau. Ôi sao ngàn trùng mãi xa nhau, hay ta còn hẹn nhau kiếp nào. Anh ở đâu? Em ở đâu? Có chăng mưa sầu buồn đen mắt sâu. Nhắm mắt chỉ thấy một chân trời tím ngắt, chỉ thấy lòng nhớ nhung chất ngất, và tiếng hát, và nước mắt... Đôi khi em muốn tin... Ôi những người... Khóc lẻ loi một mình”.
Ca khúc Nửa hồn thương đau được người em ruột của ông là ca sĩ Thái Thanh trình bày khiến những ai đã nghe qua khó thể quên được. Nhưng nếu trong một cơn say nào đó được chính tác giả hát lên thì người nghe mới thật sự xúc động. Giọng ca của Hoài Bắc vốn trầm và dội, sau cú sốc tình cảm quá lớn lại như có ướp thêm men rượu. Nếu như ai đã từng quen ngồi phòng trà Đêm màu hồng - tên một bản nhạc của Phạm Đình Chương phổ thơ Thanh Tâm Tuyền tại Sài Gòn vào những năm trước 1975, chắc chắn từng bắt gặp Phạm Đình Chương tay cầm ly rượu và điếu thuốc cháy dở, hát đơn ca bằng một chất giọng nhừa nhựa rất phiêu.
 
Nhạc sĩ Phạm Đình Chương - Ảnh: Tư liệu
Thực ra đây là ca khúc ông viết cho phim Chân trời tím. Đến lúc bộ phim sắp hoàn tất, bị nhắc nhở vì trễ hẹn và trong men say chếnh choáng Phạm Đình Chương đã trút hết nỗi đau của mình vào Nửa hồn thương đau.
Khánh Ngọc sang Mỹ từ năm 1961 để học thêm về điện ảnh và đã có gia đình mới, nhạc sĩ Phạm Đình Chương từ trần tại California (Mỹ) năm 1991.
Hà Đình Nguyên

Những bóng hồng trong thơ nhạc: Có một “chiều vàng” trải “nỗi lòng”...

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Khánh thuộc thế hệ nhạc sĩ thứ 2 của nền tân nhạc VN. Tuy nhiên, ông chỉ để lại vài tác phẩm, trong đó nổi bật là các ca khúc Chiều vàng và Nỗi lòng...
“Ngón nghề độc chiêu” của Nguyễn Văn Khánh là chơi đàn guitar Hawaienne (Hạ uy cầm). Không biết ông học từ ai, nhưng theo Hoài Nam trong 70 năm tình ca  âm nhạc Việt Nam (Đài SBS, Úc, thực hiện) thì trước 1954, ở Hà Nội chỉ có 2 nhạc sĩ chuyên đàn và sáng tác cũng như dạy đàn bằng Hạ uy cầm là William Chấn (thầy của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn) và Nguyễn Văn Khánh. Riêng ông Khánh lại đánh đàn bằng tay trái, cho nên “nếu không phải là… thiên tài thì cũng là người có khả năng đặc biệt”. Cùng thời với ông là những nhạc sĩ: Hoàng Dương, Hoàng Trọng, Nguyễn Thiện Tơ, Hoàng Giác, Tu My, Hùng Lân… góp phần làm nên thời cực thịnh của tân nhạc VN thập niên 1944-1954…
Dạo nền tân nhạc mới thành hình ở nước ta (đầu thập niên 1940), “các chàng nghệ sĩ Tây nhạc” luôn là thần tượng của nhiều cô gái, nhất là ở các chốn thị thành. Ở Hà Nội, Nguyễn Văn Khánh mở lớp dạy Hạ uy cầm và Tây ban cầm ở gần ga Hàng Cỏ (lối đi xuống chợ Khâm Thiên), phía trước nhà có một cái ao, bên kia ao là nhà trọ của các nữ sinh. Những đêm trăng sáng, Khánh đem đàn ra sân chơi, tiếng đàn Hạ uy cầm réo rắt… Phía bên kia ao, đám nữ sinh rủ nhau ra ngồi nghe đàn trông như một đàn cò trắng.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Khánh 
Vậy mà ở gần đó, ngay phố Khâm Thiên, có một thiếu nữ đẹp người, đẹp nết nhưng lại chẳng chút động lòng hoặc tơ tưởng đến “các chàng nghệ sĩ Tây nhạc”, nàng chỉ chăm lo phụ giúp cha mẹ. Cô gái ấy tên Đặng Thị Thuận. Cô gái không màng đến những chàng nghệ sĩ hào hoa kia lại “bị” bà dì của mình mai mối cho Nguyễn Văn Khánh. Lúc đầu, cô Thuận cứ “ứ thèm”, chẳng cần biết Khánh là ai, thậm chí khi nhà trai đem lễ vật đến chạm ngõ, cô cũng chẳng thèm… len lén xem mặt anh chàng kia như những cô gái khác thường làm. Ấy thế nhưng, bà chị dâu của cô lại xăng xái: “Mày không chịu, nhưng cứ để tao xem cái mặt mẹt của nó xem sao!”. Lát sau, bà chị dâu ấy chạy vào bếp, mách: “Tao thấy mặt mũi nó cũng được đấy, Thuận à!”… và được sự “động viên” của những người thân trong gia đình, cô Đặng Thị Thuận chính thức trở thành bà Nguyễn Văn Khánh vào đầu năm 1942. Khi ấy cô 20 tuổi!
Vợ chăm chồng viết nhạc cho người yêu
Cuộc hôn nhân tuy không hình thành từ tình yêu trước đó nhưng không vì thế mà cô Thuận đẹp người, đẹp nết lại quên mất cái “nết” của mình. Cô một mực ân cần chăm lo cho chồng, thậm chí lo cả cho gia đình nhà chồng. Có lẽ cảm được tấm chân tình của vợ nên mấy năm đầu của cuộc hôn nhân này ông Khánh “tu chí”, thường xuyên ở nhà (bởi sau đó là quãng thời gian dài ông đi phiêu bạt giang hồ). Thời gian này, ông cất căn nhà nhỏ, không xa ngôi nhà chính là mấy, vì căn nhà nhỏ ấy nằm lúp xúp bên một gốc đa nên cả nhà và cả chính ông đều gọi một cách thân thương là “cái miếu”. Đó là không gian riêng của ông, nơi ông ngồi để sáng tác các ca khúc riêng tặng… những người phụ nữ khác! (thực ra ca khúc đầu tay của Nguyễn Văn Khánh có tựa là Thu, viết năm 1946 được riêng tặng cho vợ, nhưng vì tặng vợ nên cô Thuận cất làm kỷ niệm, thành ra không phổ biến), còn những Chiều vàng, Nỗi lòng, Nghệ sĩ với cây đàn, Lời thề xưa, Chiều gặp gỡ... (sáng tác từ năm 1951 trở về sau) đều viết cho những phụ nữ khác. Mỗi khi viết xong một ca khúc, ông Khánh thường tự tay mang lên Đài phát thanh Hà Nội rồi tự hát: Yêu ai, yêu cả một đời. Tình những quá khắt khe khiến cho đời ta. Đau tủi cả lòng, vì yêu ai mà lòng hằng nhớ...” (Nỗi lòng). Rồi “…Lời thề nguyền ngờ đâu xa vắng. Tình tràn đầy sầu chung non nước. Hồn em có cùng người chứng minh. Anh bước ra đi luyến tiếc hoài. Đời còn có em nay là thôi... (Chiều vàng).
 
Bà Thuận - vợ ông Khánh - Ảnh: tư liệu
  Chuyện ông viết ca khúc vì những người phụ nữ khác là có thật (trừ bài Thu). Người nhà ông kể rằng bài Nghệ sĩ và cây đàn được ông viết sau chuyến đi Bắc Ninh thăm người yêu cũ nhưng không gặp. Lạ một điều, mỗi lần ông ngồi viết nhạc trong “miếu” thì lúc nào bà Thuận cũng ngồi phía sau cầm quạt, quạt cho ông. Bà không biết tí gì về âm nhạc, cũng chẳng quan tâm ông viết nhạc cho ai ngoài việc tôn trọng chồng và tôn trọng nghề nghiệp của chồng…
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Khánh mất ngày 20.8.1976, bà Thuận tính, vậy là bà làm vợ ông những 34 năm, nhưng khoảng thời gian ông ở cạnh bà chỉ bằng một phần ba con số đó. Hai phần ba thời gian còn lại ông đuổi theo những cuộc tình khác, và người khiến cho ông “bận bịu” nhất là Lê Thị Sâm - bà này đẻ cho ông Khánh những 7 đứa con. Tuy thế, vào năm 1973 bà Sâm cũng quyết liệt xua đuổi “bố của bầy trẻ” ra khỏi nhà khi ông bị chứng viêm quai hàm - giai đoạn cuối. Bà Thuận lại mở rộng vòng tay đón “chàng nghệ sĩ Tây nhạc… đa tình” trở về mái nhà xưa lo thuốc thang. Chẳng những thế, bố chồng của bà lại năn nỉ cô con dâu “đẹp người, đẹp nết” đưa 2 đứa con quặt quẹo của chồng bà với bà Sâm (5 người con trước của họ mất vì bệnh) về nuôi “làm phúc”. Ai cũng khen bà nhân hậu, cao thượng, bà chỉ cười, khiêm tốn: “Tôi chỉ được cái nuôi con nhỏ “mát tay”!”. Bà Sâm mất năm 1979, không thấy được hai người con của mình giờ đây đã được nuôi dạy nên người…
Hà Đình Nguyên


Những bóng hồng trong thơ nhạc - Kỳ 2: Ngày về trong giấc mơ hoa



Số tác phẩm của nhạc sĩ Hoàng Giác chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhưng trong số đó đã có 2 tuyệt phẩm là Mơ hoa và Ngày về. Đó là niềm hạnh phúc và cũng là “tai ương” cho tác giả.
>> Kỳ 1: Có một “chiều vàng” trải “nỗi lòng”...
Định mệnh đã đưa đến cho nhạc sĩ Hoàng Giác một người vợ “trên cả tuyệt vời” để đồng cam cộng khổ, để là điểm tựa tinh thần cho chồng trong giai đoạn lao đao nhất của đời mình. Nói về sắc đẹp, bà Kim Châu (vợ nhạc sĩ) được tôn vào hàng “giai nhân đất Hà thành”. Biết bao chàng công tử phong lưu cầu cạnh được kề cận bên người đẹp, thế nhưng bà Kim Châu đã rũ bỏ tất cả để về “nâng khăn sửa túi” cho chàng nhạc sĩ tuy nghèo nhưng rất mực tài hoa, đúng như ước nguyện của mình.
Hoàng Giác sinh năm 1924, gốc làng Chèm (xã Thụy Phương, Từ Liêm, Hà Nội). Làng Chèm có nghề làm chả giò truyền thống trong câu thành ngữ “giò Chèm, nem Vẽ”. Cha của ông là một nghệ nhân chơi đàn bầu rất hay đồng thời cũng là một võ sĩ quyền anh, từng giữ chức Chủ tịch Liên đoàn Quyền anh Bắc kỳ. Hoàng Giác được theo học ở Trường Bưởi - một ngôi trường rất nổi tiếng thời đó. Bạn học cùng lớp với ông nhiều người sau này trở thành những nhạc sĩ nổi tiếng như Dzoãn Mẫn (tác giả Biệt ly), Ngọc Bích (tác giả Mộng chiều xuân), Đoàn Chuẩn (tác giả Thu quyến rũ)... Hoàng Giác được học nhạc trong nhà trường nhưng cũng giống bạn bè đồng lứa, còn mày mò tự học thêm. Những sáng tác đầu tay của thế hệ ấy đa phần ra đời trong giai đoạn này. 
Người đẹp Hà thành
Nhưng bản nhạc đầu tay của Hoàng Giác không phải làm tặng cho... người đẹp Kim Châu. Ông kể: “Lúc bấy giờ, chúng tôi phần nhiều ở lứa tuổi 18, 19, cho nên rất mơ ước có những bài hát của người Việt làm với lời Việt. Lứa tuổi chúng tôi lúc đó hầu hết là học sinh, đều say sưa viết. Mơ hoa cũng là một trong những bài tôi viết thời đó. Đấy là năm 1945, tôi vừa tốt nghiệp Trường Bưởi, ở gần nhà tôi có một thiếu nữ trong Hà Đông ra, cô mới tuổi 16 thôi. Dáng người cô thon nhẹ, tóc dài. Chúng tôi gặp gỡ, trao đổi và có những tình cảm quyến luyến như những chàng trai, cô gái tuổi mới lớn khác. Nhìn cô, tôi liên tưởng ngay đến các cô ở làng hoa Ngọc Hà mà sáng sáng tôi hay gặp trên đường đi học. Thế là tôi mơ ước viết một bài để tặng cô ấy, tức nhiên trong lòng đã mang một giấc mơ. Và đấy là bản nhạc đầu tay trong cuộc đời sáng tác của tôi”.

Bà Kim Châu thời trẻ - Ảnh: Tư liệu   
Không chỉ biết sáng tác, cậu thanh niên Hoàng Giác còn sở hữu một giọng hát trầm ấm và điêu luyện, thế nên cô thiếu nữ - hoa khôi đường Quán Thánh sau vài lần theo bố mẹ đến dự những buổi trình diễn ca nhạc ở Nhà hát Lớn đã thấy hồn mình rung động, thầm ao ước chàng nghệ sĩ hào hoa kia là ý trung nhân của mình.
Cách mạng tháng Tám 1945 bùng nổ, Hoàng Giác hăng hái tham gia. Trong Tuần lễ vàng ở Hà Nội, Hoàng Giác đăng đàn diễn thuyết. Tài ăn nói của chàng đã thu về nhiều thắng lợi cho ngân sách của chính phủ non trẻ. Trong đám đông đứng nghe, có cả “giai nhân đường Quán Thánh”, cô lặng lẽ tháo tất cả vòng, xuyến bỏ vào thùng ủng hộ cách mạng. Và cũng như những buổi nghe hát ở Nhà hát Lớn, trong tâm tư cô cũng thổn thức ước nguyện. 
Nhưng cái anh chàng “phổi bò” kia thì lại quá vô tình... chẳng biết gì sất! Đến khi toàn quốc kháng chiến, Hoàng Giác tham gia Đoàn Tuyên truyền xung phong và một tuyệt phẩm nữa được ra đời vào năm 1947, ca khúc Ngày về: “Tung cánh chim tìm về tổ ấm. Nơi sống bao ngày giờ đằm thắm. Nhớ phút chia ly, ngại ngùng bước chân đi. Luyến tiếc bao ngày xanh... Tha thiết mong tìm về bạn cũ. Nhưng cánh chim mịt mùng bạt gió. Vắng tiếng chim xanh ngày vui hót tung mây. Mờ khuất xa xôi nghìn phương...”.
Tác phẩm của Hoàng Giác không chỉ có Mơ hoa và Ngày về mà còn có cả Lỡ cung đàn, Quê hương, Hương lúa đồng quê, Bóng ngày qua... và ba ca khúc hợp soạn với nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ Tiếng hát biên thùy, Qua bến năm xưa và Trên đường về; nhưng nhắc tới Hoàng Giác là người ta nhớ ngay đến hai ca khúc đầu tiên, đặc biệt là Ngày về - nhạc sĩ đã làm trên đường công tác được về thăm nhà.
Năm 1951, sáu năm sau những rung động đầu tiên trong tâm hồn thanh khiết của “giai nhân đường Quán Thánh” - định mệnh hình như cũng biết được tâm nguyện thầm kín của nàng nên đã run rủi cho song thân của Hoàng Giác cậy nhờ mai mối đi hỏi cô Kim Châu cho con trai họ. Cả Hà Nội xôn xao. Bao nhiêu chàng trai thất vọng. Cũng có người can ngăn bố mẹ nàng không nên gả con gái cho “thằng nghệ sĩ nghèo rớt mồng tơi”. Thế nhưng có ai biết được ước mơ của nàng, và nàng đã hân hoan chấp nhận lời cầu hôn. Thế là người đẹp Kim Châu trở thành “bà Hoàng Giác” năm 19 tuổi.
Cuộc sống êm đềm của đôi vợ chồng Hoàng Giác - Kim Châu chỉ kéo dài được khoảng hơn 15 năm thì tai họa ập xuống, khi chính quyền Sài Gòn thời ấy “cắc cớ” chọn bài Ngày về làm nhạc hiệu cho chương trình “Tiếng chim gọi đàn” (tên một bài hát của nhạc sĩ Hoàng Quý) - một chương trình “chiêu hồi”. Dạo ấy, chính quyền miền Nam đã sử dụng khá nhiều ca khúc của “phía bên kia” như bài Tiếng gọi thanh niên của Lưu Hữu Phước trở thành quốc ca, rồi Sơn nữ ca, Lời người ra đi của Trần Hoàn, Thiên thai, Bến xuân của Văn Cao... nhưng Ngày về lại rơi vào trường hợp “nhạy cảm” nhất cho nên không chỉ tác giả mà cả gia đình của ông cũng chịu nhiều hệ lụy. Tai họa này đã biến bà Kim Châu từ một người vợ yếu đuối đã tự gắng gượng và trở thành “lao động chính”, một mình bà phải chạy vạy, lo toan chuyện cơm áo để nuôi sống chồng con. Đằng đẵng suốt bao nhiêu năm trời bà cặm cụi may vá, đan len thuê kể cả phết hồ dán bao bì. Bà không từ chối bất cứ việc gì, cho dù là nhỏ nhặt hoặc lao nhọc, miễn sao đem lại cho bà chút tiền để khả dĩ mua được thức ăn nuôi sống gia đình.
Cực khổ như thế nhưng đó cũng là thời gian bà cảm thấy rất hạnh phúc, vì bà không chỉ được chia sẻ hoạn nạn với ông mà còn thấy... ông che mặt khóc khi chứng kiến vợ mình quá cơ cực. Và với bà, như thế cũng là một sự đền bù ấm áp.
Hà Đình Nguyên



Những bóng hồng trong thơ nhạc - Kỳ 3: Hoàng Cầm và chiếc lá huyền thoại

>> Kỳ 2: Ngày về trong giấc mơ hoa

 Bài thơ Lá Diêu bông
Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng
Chị thẩn thơ đi tìm
Đồng chiều
Cuống rạ

Chị bảo
Đứa nào tìm được Lá Diêu bông
Từ nay ta gọi là chồng

Hai ngày Em tìm thấy Lá
Chị chau mày
Đâu phải Lá Diêu bông

Mùa đông sau Em tìm thấy Lá
Chị lắc đầu
trông nắng vãn bên sông

Ngày cưới Chị
Em tìm thấy Lá
Chị cười xe chỉ ấm trôn kim

Chị ba con
Em tìm thấy Lá
Xòe tay phủ mặt Chị không nhìn


o0o

Từ thuở ấy
Em cầm chiếc Lá
đi đầu non cuối bể
Gió quê vi vút gọi
Diêu bông hời...
...ới Diêu bông...!

Trên văn đàn Việt, những bài thơ “xuất thần” của Hoàng Cầm mang một giọng điệu hết sức lạ lùng, tứ thơ cũng thật lạ. Chính ông đã cho ra đời một thứ lá mà không ai có thể tìm thấy trên thế gian này: lá diêu bông!
Hoàng Cầm tên thật là Bùi Tằng Việt, sinh ngày 22.2.1922 tại xã Phúc Tằng, H.Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Cha ông vốn là một ông đồ kiêm thầy lang, quê gốc ở Song Hồ, H.Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Vì người cha rời quê lên Bắc Giang dạy học và “chú nhóc” ra đời ở đấy nên ông thầy đồ đã ghép cả tên xã, tên huyện đặt thành tên cho con trai (Bùi Tằng Việt). Sau này, cậu bé ấy lại lấy tên một vị thuốc bắc rất đắng trong hộc tủ của bố làm bút danh cho mình: Hoàng Cầm.
5 tuổi, Bùi Tằng Việt đã phải xa gia đình lên tỉnh lỵ Bắc Giang để trọ học ở nhà ông bác, và 8 tuổi đã biết... yêu. Là thế này: một buổi chiều thứ bảy “định mệnh” của năm 1930, cậu bé Việt từ Phủ Lạng Thương về thăm nhà, bất giác gặp một cô gái đến trao đổi gì đó với mẹ mình (bán hàng xén). Trái tim của cậu bé 8 tuổi như không còn đập nổi trước dung nhan của cô gái 16 tuổi. Một “coup de foudre” (sét ái tình) làm cậu choáng váng. Rồi thứ bảy tuần sau, cậu về trao cho cô gái một bài thơ “tỏ tình”, đó là bài thơ lục bát dài hơn trang giấy học trò, có vẽ hoa bướm, ngọn núi, dòng sông... viết bằng mực tím nắn nót và câu đề tặng “Em gửi chị Vinh của em”.
Gần 70 năm sau, ký ức của lão thi sĩ Hoàng Cầm vẫn còn hiển hiện phút giây đầu tiên gặp gỡ chị Vinh, ông viết: “Trước mắt tôi, chị hiện ra rực rỡ như một thiên thần. Ngay lập tức, hồn tôi như bị chiếm đoạt đến đau điếng. Kể từ giây phút định mệnh ấy, tôi mê man chị chẳng còn biết trời đất, ất giáp, quên cả học hành sách vở, suốt ngày chỉ ngong ngóng sang bên kia đường, xê xế nhà tôi khoảng 20 mét, nơi thiên thần của tôi ngồi bán quán nghèo, phố nhỏ đìu hiu, tỉnh nhỏ... Tôi phải lòng chị, cứ thế giăng mắc tơ tình quanh chị suốt 4 năm trời, đến năm tôi 12 tuổi thì chị đi lấy chồng…” (Tám nhịp tuần du, NXB Văn học, 12.1999).
Thế “chị Vinh” có gì đặc biệt mà khiến một con người từ thuở còn là “thần đồng thơ” đến lúc đã trở thành “đại lão thi sĩ” vẫn cứ say như điếu đổ? Hoàng Cầm viết thế này: “…Chị Vinh võ vẽ chữ nho, đọc thông quốc ngữ, quê gốc Tiên Du (Bắc Ninh - PV) nên hát quan họ cũng làm người ta mê ngang với nhan sắc của chị... Chị thường nhờ những đêm trăng sáng, tổ chức đám thanh niên tụ tập ở cái bãi sau nhà ga, hát ví, hát trống quân, hát ống, hát giao duyên, hát vấn đáp... đặc biệt về môn hát quan họ thì chị là bà chúa của dân ca! Giọng ngọt, say như mật ong, đôi mắt đen buồn thăm thẳm với hàng mi cong và dài, đôi môi đã hồng lại còn cắn chỉ quết trầu, răng đen rưng rức hạt na.
Chị Vinh ơi, viết đến đây em vẫn bồi hồi nhớ từng sợi tóc chị dán trên vầng trán, từng con mắt chị lúng liếng tình tứ, từng giọng hát, từng nụ cười. Em còn ngửi thấy hơi tóc ấm của chị thoảng mùi hương nhu mới gội buổi chiều. Cả suối tóc ấy làm thành thế giới say mê của riêng em từ độ ấy đến ngày nay, dẫu tóc em đã trắng hết, em vẫn có thể vẽ đúng chân dung chị tuyệt vời. Ảnh chị in màu trong hồn em, không một nhà khoa học nào có thể làm ra cho em được những tấm ảnh như em đang có, vẫn còn đầy đủ và tươi tắn, nguyên vẹn từ hơn sáu chục năm rồi đấy, chị ơi!...”.

Hoàng Cầm và di ảnh người vợ sau cùng Lê Hoàng Yến - Ảnh: tư liệu 
6+9Một buổi chiều của dịp lễ Giáng sinh năm 1934, nắng hanh vàng rộm, gió lạnh se se, thấy chị Vinh “diện” váy kiểu Đình Bảng, áo lụa cánh mỡ gà, bên ngoài áo ghi lê tím, bên trong yếm nhạt cánh sen, lưng thắt dải lụa đào, bước thoăn thoắt ra cánh đồng còn trơ gốc rạ dưới chân dãy núi Neo, cậu bé 12 tuổi lập tức “vọt” theo... Chị đi trên bờ ruộng, cứ vạch từng búi cỏ đầu bờ hoặc ở những bụi cây trên mấy gò nhỏ rồi cắm cúi tìm... Cứ thế, chị đi trước và tìm, cậu bé lẽo đẽo theo sau. Bỗng chị quay lại mắng: “Ơ hay! Sao mày cứ theo tao lẵng nhẵng thế nhỉ?”.
Cậu bé tự ái muốn bật khóc, nhưng cố nuốt nghẹn bước theo chị. Hình như chị có thoáng thấy nên... mỉm cười. Khi chị bước qua bờ ruộng khác thì cậu bé không kìm được, bật hỏi: “Chị Vinh ơi, chị tìm gì thế?”. Bỗng chị quay lại, nhìn thẳng vào mắt cậu bé, giọng bỡn cợt: “Chị tìm, tìm cái lá... ấy đấy. Đứa nào tìm được cái lá... ấy thì ta gọi là chồng!”. Dù chỉ mới 12 tuổi, cậu bé cũng nhận ra chị Vinh đã thay đổi cách xưng hô, từ “tao, mày”, rồi “chị”, đến “ta”. Cái lá mà chị Vinh nói có lẽ là một thứ lá có thật, nhưng rất khó kiếm. Cuối năm đó, khi chị Vinh đi lấy chồng thì cậu bé quên mất tên chiếc lá mà chị Vinh “đùa trên sự đau khổ” của mình...
Đúng 25 năm sau, một đêm mùa rét cuối năm 1959, trong một thoáng xuất thần - như có một giọng nữ đọc cho Hoàng Cầm chép một mạch bài thơ Lá diêu bông. Và, 60 năm sau - thi sĩ Hoàng Cầm ghi lại những câu văn thật cảm động: “Ngay lúc ấy, tuy mới 12 tuổi, tôi cũng đã nghĩ ngay ra rằng chiếc lá ấy rất hiếm, rất khó tìm. Chẳng thế mà chị đi hết bờ này bãi nọ, gần cả một buổi chiều mà có thấy được đâu! Cái lá oái oăm thế, chị mới trêu đùa thằng bé mà chị biết là nó đang say mê mình, nó “phải lòng” mình từ 5 năm nay rồi còn gì! “Đứa nào tìm được... ta gọi là chồng!”. Chị Vinh ơi, bây giờ chị ở cõi nào, nếu còn sống, chị đã gần tám mươi đấy chứ, sao hôm nay em đã ngoài bảy mươi, lúc em viết những trang nhớ lại này, em hoàn toàn vẫn là đứa em 12 tuổi đang theo chị và chị vẫn đang tuổi hai mươi ngoài cánh đồng làng Như Thiết ấy, chị vẫn trẻ đẹp diệu kỳ, chị ơi!...”.
Hà Đình Nguyên

 
Từ khóa lá huyền thoại, bóng hồng trong thơ nhạc,

Những bóng hồng trong thơ nhạc - Kỳ 4: Lời người ra đi

Sinh thời, nhạc sĩ Trần Hoàn luôn tự nhận mình là “nhạc sĩ không chuyên”, bởi trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, ông đều được bố trí vào những chức vụ quản lý. Tuy thế, gia tài âm nhạc mà ông để lại hầu hết là những ca khúc tuyệt hay.
>> Kỳ 2: Ngày về trong giấc mơ hoa
>> Kỳ 3: Hoàng Cầm và chiếc lá huyền

Để có được những ca khúc đó, chắc chắn là nhờ sau lưng ông có một “thiên thần hộ mệnh”. Người ấy lúc ở gần thì động viên, phà hơi tiếp sức cho ông thêm nguồn cảm hứng, lúc cách xa lại là tâm điểm ông hướng về để sáng tác. Người ấy chính là người bạn đời đầu ấp, tay gối của ông: Nguyễn Thanh Hồng.
Trần Hoàn tên thật là Nguyễn Tăng Hích, quê Quảng Trị. Ông là con của một công chức nhỏ thời Pháp thuộc, mẹ ông hát dân ca miền Trung, hát ví dặm rất hay (vợ ông gốc Nghệ An cũng rất giỏi dân ca, cho nên những bài hát mang âm điệu dân ca miền Trung, ví dặm của ông như: Lời người ra đi, Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh, Lời Bác dặn trước lúc đi xa, Vỗ bến Lam chiều…thành công được là nhờ hai người ấy). Nhờ những câu ru của mẹ mà tính cách nghệ sĩ trong con người Nguyễn Tăng Hích dần dần hình thành. Và những sáng tác đầu tay của ông ra đời trong những ngày đầu sục sôi không khí Cách mạng tháng Tám (1945): Học sinh vui tươi, Trên đường về, Hồn nước… Trong một cuộc thi âm nhạc cấp địa phương, bài Hồn nước đã được trao giải, đó cũng là bệ phóng để chàng trai trẻ tâm nguyện suốt đời cống hiến cho đất nước, cho âm nhạc. Mê bài hát Thiên thai của Văn Cao, thích nhất là câu đào nguyên xưa Lưu Nguyễn quên trần hoàn. Vậy là lấy ngay chữ “trần hoàn” làm tên của mình, thay cho Tăng Hích nghe có vẻ “lấy sức mà đẩy”!
 
Vợ chồng nhạc sĩ Trần Hoàn lúc trẻ



Thư tình viết trên thông báo
Sau Cách mạng tháng Tám, ông vào chiến khu Quảng Bình rồi trở thành người phụ trách Đội tuyên truyền văn nghệ, địa bàn hoạt động của Trần Hoàn trải dài khắp Bắc Trung bộ (khu 4). Một hôm trong giờ giải lao, anh em đang đánh cờ tướng, reo hò ầm ĩ, bỗng… im bặt vì mẹ Thiệng đang đi vô. Họ im không phải vì mẹ Thiệng mà là phía sau mẹ, một cô gái với mái tóc xõa ngang vai, đôi mắt bạo dạn, miệng chúm chím cười duyên dáng. Dù trang phục chỉ là chiếc áo nâu mộc mạc nhưng nhan sắc ấy đủ làm sáng bừng một góc chiến khu khiến các chiến sĩ đang reo hò bỗng im re! Và từ lúc đó, hình bóng duyên dáng của cô “hoa khôi” Huyện ủy viên huyện Thanh Chương (Nghệ An) đã in sâu vào tiềm thức của chàng nghệ sĩ trẻ. Mãi một thời gian sau Trần Hoàn mới đánh liều viết vào mặt sau tờ thông báo của Sở Thông tin: “Hồng, em có nhận lời làm vợ anh không?” và trao cho người ấy. Chị đỏ mặt nhưng nhanh chóng trả lời liền: “Không, anh ạ!”. “Vì sao?”. “Vì… anh là một nghệ sĩ!”. Nói thì nói thế thôi, chứ ai mà chẳng xao xuyến trước một cán bộ đẹp trai, đa tài như anh. Lễ cưới của họ diễn ra khi chị vừa 19 tuổi. Đêm tân hôn vào mùa trăng non, trong căn nhà của mẹ Thiệng (mẹ chị Hồng), họ dìu nhau ngồi bên song cửa nhìn ra phía trước sân có mấy tàu cau khô, xa xa là bãi mía… và chú rể viết tặng cô dâu ca khúc Hoàng hôn đêm trăng với những câu: Ngồi tì tay trên gối bâng khuâng. Nhìn qua song trông thấy đêm trăng. Mía xao xác trong cây gió đàn. Tàu cau khô rung đôi lá vàng. Vầng trăng như chia sẻ đôi bên. Nửa in gối chiếc, nửa cô đơn… Nhưng chỉ sau tuần trăng mật ngắn ngủi, ông phải chuyển ra Bắc, phụ trách hoạt động văn nghệ trong lòng địch vùng tả ngạn sông Hồng. Trong những giờ phút lưu luyến chuẩn bị chia tay của đôi vợ chồng vừa mới cưới, ông làm tặng vợ bài Lời người ra đi: Một chiều anh bước đi, em tiễn chân anh tận cuối đồi. Nghe dặn lời: Rằng chiến đấu đừng sờn lòng. Rằng sóng gió đừng sờn lòng. Đừng nề gian khổ… Súng còn vang, dân lầm than, đây chiến trường thề quyết xông pha… Quả thật, trong hoàn cảnh ấy, phải “kiên gan” lắm Trần Hoàn mới có được những ca từ sắt son, kiên định như thế. Ngày nào nghe tiếng chim, ca líu lo trên cành hoa đào, em nhủ thầm, rằng bóng dáng người tình về, về đến bến đò đầu làng là giờ anh về… em ơi… Lời người ra đi là bài hát Trần Hoàn làm để riêng tặng người vợ mới cưới của mình nhưng đã trở thành bài hát chung của nhiều thế hệ thanh niên giã từ người yêu lên đường chiến đấu. Khởi đi từ đôi song ca Ngọc Cẩm - Nguyễn Hữu Thiết cho đến hôm nay đã có rất nhiều ca sĩ thể hiện ca khúc này mà một trong những ca sĩ hát thành công nhất là Bảo Yến.

Bìa nhạc phẩm Lời người ra đi - Ảnh: T.L


Nhạc sĩ Trần Hoàn qua đời ngày 23.11.2003 tại Hà Nội. Bà Thanh Hồng tính rằng họ lấy nhau được 53 năm nhưng phải trừ đi 15 năm xa nhau liên tục vì hoàn cảnh chiến tranh. Còn lại 38 năm họ đã ân cần chăm sóc nhau từng li từng tí. Nhưng, kể cả 15 năm xa cách và ngay ông đã đi vào cõi miên viễn thì bà vẫn tin chắc rằng “không giây phút nào tình yêu của họ phai nhạt”. Bằng chứng là sau khi ông mất, bà Thanh Hồng đã công bố tập sách Những lá thư vượt tuyến tập hợp khoảng 160 bức thư của hai ông bà gửi cho nhau khi nhạc sĩ Trần Hoàn đi chiến trường B. Tập sách này cùng với khoảng 600 ca khúc của ông đã được bà trao tặng cho Trung tâm lưu trữ quốc gia 3 vào năm 2011.
Trong 600 ca khúc của nhạc sĩ Trần Hoàn, ông chỉ viết tặng vợ ông 4 ca khúc: Hoàng hôn đêm trăng, Lời người ra đi, Đợi anh về và Vỗ bến Lam chiều. Bài Vỗ bến Lam chiều tuy phổ từ thơ của Thúy Bắc nhưng Trần Hoàn thấy như chính mình viết cho người vợ son sắt, thủy chung: Mẹ sinh em bên dòng sông Lam, tóc hoen nắng gió, mặn mòi gió biển, bụi đỏ bám sao mà yêu mến thế! Vắt vẻo cầu tre lời hẹn níu bờ xa, dù chiến tranh phải xa, lòng không hề xa vắng. Âm vang đôi bờ câu hò ví dặm, theo anh qua trăm suối nghìn đèo...”. Và với bà, dù 53 năm chỉ có 4 bài, nhưng như thế là quá đủ cho tình yêu của họ.
Hà Đình Nguyên

Thứ Sáu, 3 tháng 2, 2012

Trí thức: quan điểm chính thống và quan điểm thông thường


In Email
Thứ sáu, 03 Tháng 2 2012 22:24
http://www.prospectmagazine.co.uk/wp-content/uploads/2008/05/The_Thinker_Rodin.gifCâu chuyện thế nào là trí thức vẫn chưa ngã ngũ. Báo Vietnamnet mới đăng ý kiến của Gs Nguyễn Ngọc Lanh về định nghĩa trí thức theo quan điểm “chính thống”. Đọc rất thú vị! Nhưng hoàn toàn không thuyết phục. Trong entry này, tôi giới thiệu một ý kiến khác của một người bạn tôi, Gs Phạm Quang Tuấn, về định nghĩa thế nào là trí thức. Cố nhiên, những ai cảm thấy mệt mỏi về chuyện này, thì vẫn tìm thấy một liều thuốc an thần sau khi đọc bài này.

Đến bây giờ tôi mới biết Đảng có hẳn một nghị quyết về trí thức! Có lẽ chỉ có Việt Nam ta mới có một tổ chức chính trị đưa ra một định nghĩa mà tôi nghĩ thuộc về phạm vi của giới học thuật. Qua bài báo của tác giả Nguyễn Ngọc Lanh, sau vài dòng lên lớp về tiếng Anh và tiếng Pháp, tôi mới đọc được Nghị quyết 27-NQ/TW (6/8/2008) định nghĩa trí thức là “những người lao động trí óc, có trình độ học vấn cao về lĩnh vực chuyên môn nhất định, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, truyền bá và làm giàu tri thức, tạo ra những sản phẩm tinh thần và vật chất có giá trị đối với xã hội.
Định nghĩa trên của Đảng cũng giống với ý chính trong định nghĩa mà Ngô Bảo Châu phát biểu trên Tuổi Trẻ: “Đối với tôi, trí thức là người lao động trí óc. Cũng như những người lao động khác, anh ta cần được đánh giá trước hết trên kết quả lao động của mình. Theo quan niệm của tôi, giá trị của trí thức là giá trị của sản phẩm mà anh ta làm ra, không liên quan gì đến vai trò phản biện xã hội.”
Tác giả Nguyễn Ngọc Lanh cho rằng định nghĩa này được nhiều người đồng tình. Nhiều bao nhiêu? “Đông gấp bội”, “áp đảo”. Đó là những chữ của tác giả Lanh. Chỉ rất tiếc một điều là chẳng có bằng chứng nào để nói như thế. Và, cách nói “đông gấp bội”, “áp đảo” làm tôi nhớ  đến loại fallacy có tên là ad numerum (nguỵ biện dựa vào đám đông). Ông Nguyễn Cao Kỳ lúc  sinh tiền, khi một kí giả hải ngoại hỏi ông về chuyến về thăm Việt Nam, và bắt đầu câu hỏi với cách nói “Nhiều người nói …”, ông liền ngắt lời và nói: Nhiều là bao nhiêu, ai nói, nếu đó là ý kiến của anh thì anh cứ nói như thế, sao lại mượn chữ “nhiều người”. Thẳng thắn như ông Kỳ mà tôi thấy hay.
Cả hai định nghĩa đều không đề cập đến cách hiểu thông thường về trí thức: đó là vai trò tham gia bàn luận những vấn đề ngoài lĩnh vực chuyên môn [1]. Cứ đọc qua những tác giả như E. Said, R. Posner, N. Chomsky, SJ Gould, EO Wilson, v.v. (nhiều lắm), chúng ta có rất rất nhiều lí do để chất vấn định nghĩa trên. Lí do đơn giản nhất, hiển nhiên nhất là thực tế: những người có học mà chấp nhận một cách dễ dãi những gì được dạy thì không phải là trí thức. Họ có thể là một chuyên gia có kiến thức chuyên môn cao, nhưng kiến thức ngoài chuyên môn của họ thì tương đương với kiến thức của một thường dân. Đó là đặc điểm của người không phải là trí thức nhưng có học cao và lao động chủ yếu dựa vào trí óc. Cái căn cước tính của người trí thức là thái độhành động, và những giá trị mà họ muốn gìn giữ, dấn thân; căn cước tính của người trí thức không phải là học cao, chức vụ cao, hay lao động trí óc.
Định nghĩa trên [của Đảng] vẫn chưa tách bạch được một người làm việc trí óc và có trình độ học vấn cao (intellectual worker) với một nhà trí thức (intellectual). Bài viết dưới đây giải thích hai nhóm người đó.
NVT
[1] Ví dụ như trường hợp của tác giả Phạm Quang Tuấn, là một người nghiên cứu về lĩnh vực hoá học, nhưng ngoài chuyên môn đó, anh còn quan tâm đến vấn đề lớn hơn là tranh chấp ở biển Đông, và tham gia thảo luận với những người có chuyên môn về vấn đề đó:
levanut.wordpress.com/2012/01/30/tranh-luận-giữa-gs-phạm-quang-tuấn-va-một-học-giả-na-uy-về-dường-lưỡi-bo/
Thử đọc qua những trao đổi giữa Gs Phạm Quang Tuấn và của Gs (trẻ) Stein Tønnesson, chúng ta dễ dàng thấy lí lẽ của vị giáo sư trẻ này bị dồn vào chân tường. Đó là chưa nói đến trình độ và kĩ năng tiếng Anh, mà vị giáo sư trẻ này rõ ràng ở vị thế rất yếu so với Gs Phạm Quang Tuấn.
Theo tôi, thái độ đó của anh chính là thái độ của người trí thức.
===
Trí thức: quan điểm chính thống và quan điểm thông thường
Phạm Quang Tuấn
Theo cách hiểu thông thường trong tiếng Anh thì người trí thức (intellectuals) là những người dùng tri thức để tham gia đóng góp bằng cách viết sách, viết báo, góp ý, tranh luận về những vấn đề xã hội (kể cả chính trị). Nếu không làm những việc đó mà chỉ đóng góp về chuyên môn (chẳng hạn nghiên cứu một định đề toán học hay nghiên cứu lỗ đen, big bang) thì trong tiếng Anh gọi là intellectual worker – người lao động bằng trí óc. Intellectualintellectual worker là hai động vật khác hẳn nhau.
Theo GS Nguyễn Ngọc Lanh viết trên vietnamnet (http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/dien-dan/58775/nghia-hien-nay-cua-tu--tri-thuc-.html): “
Tuy nhiên, ở Việt Nam (phải ngầm hiểu là nước CHXHCNVN), gần đây “trí thức” đã mang một nghĩa khác: bất cứ người nào làm việc bằng đầu óc đều là trí thức, ví dụ: tiến sĩ, bác sĩ, kỹ sư, nhạc sĩ, họa sĩ, nhà điêu khắc, giáo sư, nhà văn, nhà khoa học, nhà toán học… Tức là, “người trí thức” đã trở thành đồng nghĩa với “người có học”.
Theo GS Lanh, định nghĩa này đã trở thành “áp đảo” ở Việt Nam, được sự chấp nhận của hầu hết dân chúng, và là định nghĩa chính thống của Đảng, theo Nghị Quyết số 27-NQ/TW (6-8-2008) về xây dựng đội ngũ trí thức: “Trí thức là những người lao động trí óc, có trình độ học vấn cao về lĩnh vực chuyên môn nhất định, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, truyền bá và làm giàu tri thức, tạo ra những sản phẩm tinh thần và vật chất có giá trị đối với xã hội.”
Cũng theo GS Lanh, định nghĩa này được xem là “chính thống” tại VN, vì nó “đem lại nhiều cái lợi cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội (CN XH). Thí dụ, sự thuận tiện khi cần nói gộp. Nó giúp chúng ta gộp vào khái niệm trí thức, từ Hoàng Tụy, Ngô Bảo Châu cho tới một người thầy tốt nghiệp trường cao đẳng nay dạy Toán ở bậc trung học (cũng như trước đây rất thuận tiện khi gộp một văn hào với viên thư ký của ông ta vào giai cấp tiểu tư sản vậy)”.
Định nghĩa của GS Ngô Bảo Châu dang gây sóng gió trên mạng và báo chí, chẳng qua cũng chỉ là nhắc lại y nguyên định nghĩa “chính thống” này: “Đối với tôi, trí thức là người lao động trí óc... Giá trị của trí thức là giá trị của sản phẩm mà anh ta làm ra, không liên quan gì đến vai trò phản biện xã hội”.
Dân mạng, báo chí ồn ào bình luận. Có người thì bảo không cần phải định nghĩa trí thức làm gì để gây chia rẽ. Có người lại viết rằng đóng góp như thế nào cũng quý cả: phản biện xã hội, cho tiền từ thiện, nghiên cứu chuyên môn, cầm súng đánh giặc, mắm sốt hết, tốt như nhau, không cần phải phân biệt thế nào là trí thức hay không trí thức.
Theo thiển ý, cứ bảo cái gì cũng “same same” (cào bằng) và định nghĩa thế nào cũng được chỉ là những cách lẩn tránh vấn đề. “Ôi chà, sao cũng được” là câu nói thích hợp cho bàn nhậu nhưng không giúp ta tập trung vào các vấn đề xã hội và tranh luận đến nơi đến chốn. Ít nhất, nó làm cho tiếng Việt nghèo đi và kém chính xác. Khi cuộc sống càng ngày càng phức tạp và chuyên môn hóa thì một quan niệm chân chính về người trí thức càng cần thiết. Ngày xưa, một chữ “sĩ” kết tinh rất nhiều giá trị của đạo Nho, một chữ đó đủ để nhắc nhở nhà Nho tất cả các bổn phận và cách cư xử của mình. Chữ “trí thức” cũng vậy và không ngạc nhiên khi thấy có những cố gắng để tái định nghĩa nó hay “thiến” bớt ý nghĩa của nó.
Người ta có thể đóng góp cho xã hội theo nhiều cách: như một nhà từ thiện, như một nhà chuyên môn, như một chiến sĩ, như một nghệ sĩ, như một trí thức. Những cách đó rất khác nhau. Cách nào cũng đáng quý, nhưng ở trong tình trạng xã hội chính trị VN hiện nay thì cách đóng góp theo cách của một trí thức chân chính đặc biệt đáng ngưỡng phục, vì nó khó khăn, nguy hiểm và cực kỳ cấp thiết.
Đóng góp theo kiểu người trí thức có nghĩa là dùng những khả năng mà người ta đặc biệt gán cho người có học: khả năng suy nghĩ độc lập, không để mình bị nhồi sọ, bịt mắt, lôi cuốn, biết tự mình suy xét, khả năng tự học, tự tìm thông tin, đánh giá, sàng lọc và tổng hợp thông tin để có một cái nhìn đứng đắn về xã hội, tự phát giác và đào sâu những vấn đề lớn của xã hội, và cố gắng góp ý một cách nghiêm túc, khoa học về cách giải quyết. Cách đóng góp đó sẽ gần như luôn luôn đưa đến sự phản biện chính quyền, nhất là khi chính quyền độc tài hay kém cỏi.
"Trí thức" theo định nghĩa trên hoàn toàn khác với “có học”, "có bằng cấp" hay "làm việc bằng trí óc". Đánh đồng như vậy là cái sai lầm (có thể là cố ý) của Nghị Quyết 27-NQ/TW và của Ngô Bảo Châu. Một người không có bằng cấp, kiếm sống bằng cách lái taxi, nhưng biết tự đọc sách, tự học để phát triển các năng khiếu tìm tòi, suy nghĩ độc lập, v.v., và đóng góp cho xã hội với những khả năng đó, đối với tôi sẽ là một trí thức. Nhiều nhà trí thức thời Pháp thuộc không có bằng cấp cao lắm, và nhiều lúc phải đi làm những nghề chân tay như làm ruộng, rửa ảnh. Ngược lại, Ngô Bảo Châu, người Việt Nam thành tựu nhất về khoa học từ xưa đến nay, chưa thể được gọi là một nhà trí thức. Ông là một người lao động bằng trí óc, và đã đóng góp rất lớn trên cương vị này.