Blog của 5xu
Trong entry trước tôi có thắc mắc liệu là cái ngày Giỗ Tổ mùng 10 tháng 3 ở đâu ra. Cái thắc mắc nho nhỏ của tôi là vì ngày 10 tháng 3 là ngày vua Khải Định dùng công văn để quy định. Năm vua Khải Định ra cái công văn này là năm 1917. Đồng thời ca dao có câu “nhớ ngày Giỗ Tổ mùng 10 tháng 3″.Trong cái entry này bác 3 có nói rằng cái câu ca dao kia thực ra là rất mới, có tác giả đàng hoàng, và đăng báo vào năm 193x. Tức là cái câu ca dao ấy thực ra là để tuyên truyền cho cái ngày Giỗ Tổ mà vua Khải Định ấn định cho cả nước. Còn ngày Giỗ Tổ thực, mà nhân dân địa phương khu vực Đền Hùng, vẫn tiến hành cả ngàn (?) năm nay là ngày 11 tháng 3 âm lịch. (Vua cho cả nước làm sớm lên 1 ngày, ngay tại đền Hùng, để sau đấy một ngày thì dân địa phương có thời gian và địa điểm làm lễ của riêng mình). Qua đây cũng thấy cái giải thích của Kim Định về ngày 10 tháng 3 (Tam Miêu – Bách Việt) là bị đổ gãy hoàn toàn.
Thế nhưng, cuối cùng, thì cái ngày 11 tháng 3 âm lịch ấy phải ở đâu ra chứ? Nó phải có ý nghĩa (cho dù là gán ghép) hoặc tốt hơn cả, là nó phải có nguồn gốc thực sự từ đâu đó cội nguồn dân tộc. Thực ra tôi có câu trả lời riêng của mình, nhưng từ từ đã, lát sẽ nói. Thế mới gọi là câu view.
***
Đền Hùng, thực ra không cũ lắm, mới chỉ được xây dựng từ đời nhà Đinh. Điều này dễ hiểu vì trước đó là cả ngàn năm Bắc Thuộc.
Mã Viện sau khi cướp nước ta đã đốt sách, nung chảy hầu hết trống đồng, tịch thu mang về Tàu hầu hết các tác phẩm và sản phẩm tinh hoa của chúng ta, để rồi sau cả ngàn năm bắc thuộc, chúng ta mù mờ về tổ tiên nhà mình. Nghiên cứu sử theo sách sử (chép) thì dựa nhiều vào sách Tàu (ví dụ như Hậu Hán Thư) và sách ta, bắt đầu từ An Nam Quốc Vương kiêm hoàng tộc nhà Trần đầu hàng theo giặc (hehehe). Ngoài ra chỉ còn huyền sử với Lĩnh Nam Chích Quái là những câu chuyện nổi tiếng nhất.
***
Nếu chịu khó đọc tài liệu, hoặc đơn giản hơn là google, mọi người sẽ thấy cả chục thuyết khác nhau về cội nguồn dân tộc. Từ mê tín dị đoan Nho Việt, Hà Đồ, Kinh Thi, Kinh Dịch (Kim Định và những người theo phái này), đến văn hóa Đông Sơn, Hòa Bình (các nhà lịch sử khảo cổ Hà Văn Tấn đến Trần Quốc Vượng). Từ nhân chủng học (Bình Nguyên Lộc, cho rằng tổ tiên chúng ta có chủng Malai) đến Lê Mạnh Thát nghiên cứu sử dựa vào văn bản phật giáo và qua đó khước từ cả Triệu Đà lẫn An Dương Vương là vua của người Việt. Sau đây là tóm tắt một chút về các thuyết để các bạn thích món nào thì tự xào internet món đấy.
1. Trường phái Huyền Sử và sau này các môn đệ thêm cả mê tín vào (hay gọi luôn là phái Kim Định cho dễ) thì cho rằng Viêm Việt (Bách Việt, Cửu Lê, Lạc Việt…) ngày xưa làm chủ đất và văn minh Hoa Hạ. Sau này bị Hán Tộc vốn là dân du mục, thiện chiến hơn, oánh cho tơi bời, chạy toé khói về phương nam. Rồi lại bị đô hộ, chỉ có một nhóm nhỏ tồn tại đến bây giờ chính là người Việt chúng ta đang lướt web hiện nay. Rồi từ đó nhận hết Nho học, Kinh Thi, Kinh Dịch này nọ là có nguồn gốc từ dân ta mà ra hết. Tuy thường xuyên đẽo chân cho vừa giày, ông Kim Định có một điểm rất thuyết phục đó là họ của người xưa, bọn du mục thì lấy tên của tướng, họ của dân nông nghiệp lấy theo đất. Ông Tạ Chí Đại Trường cũng có nói Hùng là từ Hùng Điền mà ra.
2. Ngoại trừ những người làm sử dựa nhiều vào khoa học, ví dụ dựa vào khảo cổ học như cụ Hà Văn Tấn, thì có hai người mà tôi rất khoái do họ sử dụng nhiều phương pháp suy luận kiểu điều tra phá án Sherlock Holmes, kết hợp khảo cổ và folklor học, lẫn nghiệp vụ hịên trường CSI: đó là Trần Quốc Vượng, Tạ Chí Đại Trường. Ví dụ tiêu biểu là cả hai ông này đều có những phát kiến về ảnh hưởng của tù binh Chăm ở đồng bằng Bắc Bộ. Hay ông Tạ chí Đại Trường nói “có tội thì lội xuống sông” là dấu vết văn hóa của tắm sông Hằng (do cách nào đó đã đến VN, ví dụ qua phật giáo Nam tông) còn sót lại. Ông này còn giải thích về các họ Lí-Lê (Việt Mường), Phan-Phạm (Chàm) và Trịnh (Thái).
3. Ông Bình Nguyên Lộc tuy nói dài và hay khiêu khích nhưng ông ấy sử dụng hai công cụ cực kỳ đáng tin cậy là Nhân chủng học và Ngôn ngữ. Tuy món nhân chủng học là món gây nhiều tranh cãi, nhưng ngôn ngữ học lại có sự đồng thuận cao. Ông Bình Nguyên Lộc chứng minh được (tuy còn nhiều dẫn chứng võ đoán) rằng tiếng Việt trước thời kỳ Mã Viện là tiếng đa âm. Tàn tích còn sót lại là các từ ghép như Biển Cả. Ông này có giải thích từ Văn Lang là từ chữ Nang Vlang (Cọ Sọc) mà ra (ngoài cái ông này thì chưa thấy ai giải thích Văn Lang từ đâu mà ra cả). Ông này cho rằng người Việt Cổ là hậu duệ của giống Proto-Australoid (Cổ-Phương Nam), chủng thì là chủng Mã Lai. Vua Hùng là một bộ tộc thuộc chủng này, chiến thắng hằng loạt bộ tộc khác (cũng cùng chủng ấy, có ngôn ngữ và văn hóa giống nhau) thành lập nước Văn Lang, du nhập công nghệ đúc trống đồng của người Mã Lai (cũng là cùng chủng). Người Mường là các chủng tiến hóa hơn (đời sau) của giống này và đến Việt Nam sau cùng cho nên văn hóa và ngôn ngữ của người Mường rất giống người Việt Cổ và có nét gần gũi văn hóa với một loạt dân tộc ở Cao Nguyên.
Ông Bình Nguyên Lộc có chỗ khớp với ông Lê Mạnh Thát ở chỗ Bắc Tiến (người Việt Cổ đi từ tít dưới phương nam lên Bắc, mang văn hóa và tôn giáo của Ấn, Khmer…). Cũng khớp với khảo cổ Hòa Bình, Phùng Nguyên, Đông Sơn, Sa Hùynh.
Để rồi sau này về Nam mở cõi, người Việt hiện đại lại gặp những bà con của tổ tiên mình.
***
Mặc dù Vua Hùng và Văn Lang xuất hiện lần đầu (trong văn bản) là cuốn Việt Sử Lược do một hàng binh nhà Trần được tàu phong vương (ta gọi là Việt gian hoặc phản quốc), cho nên phần xạo là nhiều (xạo là để lấy le với địch, và xạo vì ông này là tay háo danh, thông minh, học giỏi). Tuy nhiên dù xạo cũng cho thấy là vua Hùng không phải là người gốc gác bản địa mà là dân di cư nên có thể làm được những việc mà dân ở đấy không thể làm được (võ hoặc vật chẳng hạn) nên Việt Sử Lược mới nói là “ảo thuật gia” và nhờ đó thống nhất được các bộ lạc và thành lập nước Văn Lang.
Sau này Ngô Sĩ Liên dựa vào, rồi thêm cả huyền sử, để viết hẳn đọan dài về Hùng Vương Âu Lạc An Dương Vương. An Dương Vương đoạn cuối có chỗ sau khi giết Mỵ Châu đã cầm sừng Tê rẽ nước biển mà đi xuống như Moses trong Cựu ước. Có lẽ vì điểm này mà Linh mục Kim Định quyết định dùng Lĩnh Nam Chích Quái để làm Kinh Hùng.
Vua Hùng chắc chắn là có thật. Cho dù xuất phát điểm, hoặc sự thật, vua Hùng chỉ là một ông tướng đứng đầu bộ lạc. Hùng Tướng hoặc Lạc Tướng. Phân tích của Bình Nguyên Lộc là có vẻ thuyết phục nhất nếu chỉ xét đoán về lập luận khoa học.
Vào cái link này và link này sẽ thấy tiếng Việt cho thấy dù vay mượn từ vựng rất nhiều của tiếng Tàu nhưng bản chất vẫn là Mon-Khmer và các nhánh ngôn ngữ gần nhất của tiếng Việt là: Mường, Khmer, Bahnar, Pacoh, Katu (một loạt các dân tộc anh em rất đỗi quen thuộc với chúng ta).
Và cũng như bác 3 ở đây nói, hay nếu ai chịu khó đọc Kho Tàng Truyện Cổ Tích Việt Nam của Nguyễn Đổng Chi (có phần khảo dị rất hay) thì thấy nhiều truyện cổ tích của ta tương đồng với truyện cổ các nước Đông Nam Á hoặc Ấn Độ.
***
Cuối cùng, thế ngày Giỗ Tổ 11 tháng 3 Âm Lịch là từ đâu ra.
Rất có thể những người Việt Cổ, xuất phát là du mục săn bắn, khi định cư ở lưu vực sông Hồng, sông Mã, đã chuyển qua trồng lúa và phát triển công nghệ (hoặc thuổng ở đâu đó) đến trình độ cao: thủy lợi, thời tiết và lịch mặt trăng.
Định cư ở đây đã lâu nhưng họ không quên cái Tết cổ truyền của mình. Cái Tết đó đã đi vào âm lịch và trở thành ngày Giỗ Tổ. Đó là ngày 11 tháng 3 âm lịch, rất gần với Tết của người Khmer.
***
Lịch cổ của các nước Đông Nam Á là Phật Lịch Cổ. Đây là lịch âm dương (năm thì theo mặt trời, tháng theo mặt trăng). Kỷ nguyên đầu tiên của Phật lịch cổ bắt đầu (Tết năm Không) là ngày …10 tháng 3. Kỷ nguyên thứ hai Tết bắt đầu với ngày đầu tiên của năm mới là … ngày 11 tháng 3 (năm 545 BC). Đây là khoảng thời gian mà người Mường cổ và người Chàm cổ bắt đầu xuất hiện rõ rệt từ Trung tới Bắc Bộ. Cũng là thời kỳ vua Hùng thống nhất các bộ lạc và thành lập nhà nước cổ Văn Lang. Và từ đó tục Têm Trầu (rõ ràng là từ xứ Nam Dương) trở thành nghi thức ngoại giao cấp … bộ tộc (hehehe) và sau này thành nghi thức tiếp khách của dân đồng bằng sông Hồng (miếng trầu đầu câu chuyện). Tiễn quân ra trận (Bà Triệu) nhân dân cũng “têm trầu cánh kiếm đưa chồng ra quân).
Các nước ĐNA đến đầu thế kỷ trước đều dùng lịch dựa vào Phật Lịch (cổ hoặc hiện đại) trừ nước mình. Chắc là do sau thời Mã Viện, hoặc thậm chí từ thời Triệu Đà, bị nó cưỡng bức. Bởi vậy nên Tết cổ truyền của người Việt cổ phải lẩn trốn trở thành Giỗ Tổ như một bản năng giữ gìn gốc tích dân tộc. Nó cũng giải quyết khúc mắc tại sao dân ta làm nông nghiệp, dùng lịch âm (của tàu) mà trống đồng lại thể hiện thờ mặt trời. Nó cũng cho thấy tại sao từ Nam Đảo, Tây Nguyên, Thanh Hóa, Hòa Bình, Đồng Bằng Bắc Bộ và Lưỡng Quảng bên kia dãy núi lại có trống đồng hoặc cồng chiêng. Mà càng lên phía bắc thì trống đồng càng đẹp (thế hệ sau đi xa hơn và đạt trình độ công nghệ cao hơn thế hệ trước) cũng như càng xuống hoặc vượt qua bên kia núi thì tài nguyên ưu đãi hơn, đúc được trống to hơn).
Sau 1000 năm bắc thuộc thì chủng tộc chắc lai Hán nhiều, văn hóa ảnh hưởng nhiều, đâm ra tâm lý vừa hâm mộ, vừa sợ, vừa ghét Tàu. Nhưng dân Việt Thường Thị ở Hồng Lĩnh (nơi vua Hùng suýt nữa đặt kinh đô) thì ít bị Hán hóa hơn. Từ đó nảy sinh ra một ông TBT coi Tàu khựa như rửa đít, đó là ông LD (hehehe).
***
Update thêm một chút.
Báo ThanhNiên hôm qua (22 tháng Tư) bắt đầu triển khai loạt bài về thời Hùng Vương với tên gọi “Dựng nước sau trận đại hồng thủy”. Ngoài các ý tưởng/quan điểm sử dụng của Lê Mạnh Thát thì bài báo còn dùng thêm cổ địa lý của Hoàng Ngọc Kỳ trong đó có nói khoảng hơn 4000 năm trước thì nước biển dâng đột ngột lên tới hơn 5m và phải hơn 1000 năm sau mới rút.
Nếu thông tin trong bài báo đúng (chắc là đúng thôi hehe) thì đây chính là lý do phần nào giải thích được việc các bộ tộc chủng Mã Lai (không phải là dân Malaysia ở KL bây giờ) di chuyển lên Phương Bắc. Nó cũng giải thích được là tại sao các dân tộc anh em của người Việt cổ cứ ở trên cao nguyên với trên núi cho đến tận bây giờ. Và rõ ràng là những bộ tộc kéo xuống được đồng bằng sớm (vua Hùng) có lợi thế hơn hẳn các tộc khác.
Tuy nhiên báo Thanh Niên gán luôn cho quả nước biển dâng kia với lại truyền thuyết Sơn Tinh Thủy Tinh thì đúng là cưỡng bức thông tin quá đáng. Đấy là chưa kể đến việc Sơn Tinh rất có thể là nhân vật có thật, tên phiên âm qua tiếng Hán là Tuấn, sống ở đời cuối của giai đoạn Hùng Vương, đánh nhau còn thua Thủy Tinh … Thục Phán An Dương Vương. Sở dĩ nói vậy vì tôi tin chắc rằng nếu có Thủy Tinh thì ông này chắn chắn là Thục Phán.
Người Thái Cổ (cũng cùng chủng Austronesian nhưng khác chi, ở mé trên của dãy núi phía Bắc). Chủng này tiếng Tàu gọi là Âu.
Người Việt Cổ (khác chi, đã xuống đồng bằng). Chủng này tiếng Tàu gọi là Lạc.
(Đoạn này có thể tìm trong cuốn “Lột trần tiếng Việt” của Bình Nguyên Lộc)
Phục Phán có thể là người Thái Cổ. Hùng Vương là người Việt Cổ.
Khớp với truyến thuyết thì sẽ là thế này. Thục Phán xuống đồng bằng hơi muộn so với Hùng Vương (Thủy Tinh đến muộn) buộc phải đánh nhau với liên quân bố vợ con rể Hùng Vương và Sơn Tinh (năm nào cũng dâng nước đánh Sơn Tinh ở Tản Viên). Về địa lý thì cũng khá khớp ở chỗ quân Thục Phán đi theo đường sông (sông Đà???) xuống đất Phú Thọ rồi đánh nhau với liên quân Hùng Vương Sơn Tinh ngược lên đến Tản Viên thì thua. Năm nào cũng đánh và cũng thua. Nên đi vào truyền thuyết thành Thủy Tinh không những hụt quả gái đẹp mà còn ghen tức năm nào cũng choảng nhau.
Thế nhưng truyền thuyết (của dân thua trận) không nhắc đến trận cuối cùng, Thục Phán thắng trận (do Hùng Vương ngủ quên trên chiến thắng, Sơn Tinh mải nhậu thịt thú rừng), và thống nhất hai tộc Âu và Lạc để thành lập nhà nước Âu Lạc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét