Thứ Hai, 16 tháng 1, 2012

Khoa học Việt Nam: một năm nhìn lại


In Email
http://www.researchtrends.com/wp-content/uploads/2011/09/RT24-section-5-pic-1.jpgTrong quá trình hội nhập quốc tế, ấy năm gần đây, khoa học càng ngày càng được quan tâm, vì nghiên cứu khoa học là một hoạt động mang tính quốc tế. Nghiên cứu khoa học là một trong những chiến lược chính để đưa các đại học Việt Nam lên thành “đẳng cấp quốc tế”. Chúng ta đang ở đâu trong bản đồ khoa học quốc tế? Bài viết này sẽ điểm qua những thành quả của nghiên cứu khoa học, phản ảnh qua số ấn phẩm khoa học được công bố trên những tập san quốc tế năm 2011.

Công bố quốc tế: thước đo năng suất khoa học
Sản phẩm của nghiên cứu khoa học có thể thể hiện qua 3 hình thức: ấn phẩm khoa học, bằng sáng chế, và đào tạo. Ấn phẩm khoa học ở đây chủ yếu là những bài báo cáo kết quả nghiên cứu được chấp nhận cho công bố trên các tập san có bình duyệt (peer review), nhưng cũng có thể kể cả sách chuyên khảo. Nghiên cứu khoa học ngày nay đang chuyển dần đến khái niệm translational research, tức những nghiên cứu có thể áp dụng trong thực tế hay thương mại hoá. Do đó, Bằng sáng chế là một thước đo quan trọng để đánh giá khả năng ứng dụng và thương mại hoá khoa học. Một công trình nghiên cứu khoa học tốt có thể làm đề tài cho một số luận án tiến sĩ và thạc sĩ. Vì thế, sản phẩm của nghiên cứu khoa học, ngoài số ấn phẩm khoa học và bằng sáng chế, còn có thể kể đến số nghiên cứu sinh được đào tạo.
Tuy nhiên, một trong những “sản phẩm” quan trọng của nghiên cứu khoa học là số lượng ấn phẩm khoa học được công bố trên những tập san khoa học quốc tế (gọi tắt là “công bố quốc tế”). Theo chuẩn mực chung trong cộng đồng khoa học, một công trình nghiên cứu mà chưa được công bố quốc tế thì chưa thể xem là hoàn tất. Công bố quốc tế, do đó, là một thước đo quan trọng không chỉ để đánh giá cá nhân nhà khoa học, mà tập hợp ấn phẩm còn dùng để đánh giá tình chung về hoạt động nghiên cứu khoa học. Đó cũng là một chỉ tiêu quan trọng nhất mà các chương trình xây dựng đại học đẳng cấp quốc tế thường dựa vào để đánh giá thành bại. Chẳng hạn như trong chương trình Trí tuệ Hàn Quốc Thế kỉ 21 (Brain Korea 21), Chính phủ Hàn Quốc lấy số lượng và chất lượng ấn phẩm khoa học trên các tập san quốc tế làm chỉ tiêu để quyết định nên hay không nên tài trợ cho nghiên cứu khoa học. Ở nước ta, trong vài năm gần đây, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng bắt đầu xem xét các công trình công bố quốc tế như là một thước đo để quyết định tài trợ cho nghiên cứu khoa học.
Ngay cả ở những nước trong vùng như Thái Lan, Mã Lai, Singapore, công bố quốc tế cũng được xem là một thước đo quan trọng không chỉ cho nền khoa học của một quốc gia mà còn cho cá nhân nhà khoa học. Mỗi năm, ở các nước trên, người ta làm những phân tích thống kê để đánh giá xu hướng nghiên cứu và so sánh với các nước trên thế giới nhằm đề ra ưu tiên cho nghiên cứu khoa học trong năm tới. Đối với cá nhân nhà khoa học, số lượng và chất lượng công bố quốc tế là chỉ tiêu số 1 để đề bạt các chức danh khoa bảng. Do đó, để biết nghiên cứu khoa học ở nước ta đang ở vị trí nào trong vùng, chúng ta cần phải nhìn lại và so sánh với các nước trong vùng.
Công bố quốc tế từ Việt Nam năm 2011
Trong vài năm gần đây, chúng tôi đã tiến hành một số phân tích về ấn phẩm khoa học Việt Nam trên tập san quốc tế. Những phân tích này cho thấy số lượng bài báo khoa học từ Việt Nam có phần tăng trong 10 năm gần đây, nhưng chất lượng vẫn còn quá thấp, và phần lớn các công trình nghiên cứu vẫn còn lệ thuộc vào nước ngoài. Trong phân tích ngắn dưới đây, tôi sẽ điểm qua một số khía cạnh liên quan đến số lượng ấn phẩm, lĩnh vực nghiên cứu, và các trung tâm nghiên cứu hàng đầu ở nước ta.
Về số lượng, tính từ đầu tháng 1/2011 đến cuối tháng 11/2011, các nhà khoa học Việt Nam công bố được 1028 bài báo khoa học trên các tập san quốc tế. Tính trung bình, mỗi tháng, Việt Nam công bố được 93 bài. Do đó, dự đoán trong năm 2011, con số ấn phẩm khoa học là khoảng 1120 bài. Nếu dự đoán này đúng thì số ấn phẩm khoa học năm 2011 thấp hơn so với năm 2010 (1280 bài).
Nhìn lại dữ liệu 5 năm qua, xu hướng số ấn phẩm có gia tăng, nhưng chưa thấy một sự “đột phá”. Năm 1990 số bài báo khoa học từ Việt Nam trên các tập san quốc tế chỉ khoảng 250 bài. Đến năm 2005 con số này tăng lên khoảng 600 bài, và đến nay thì khoảng 1000 bài. Tính trung bình, trong vòng 20 năm qua, số ấn phẩm khoa học tăng khoảng 13% mỗi năm. Tỉ lệ tăng trưởng này không cao hơn so với các nước trong vùng.
Con số ấn phẩm khoa học Việt Nam cần phải đặt trong bối cảnh toàn vùng để có một bức tranh đầy đủ hơn. Trong cùng thời gian (2011), Thái Lan công bố 4244 bài báo (tức cao gấp 4 lần Việt Nam), Mã Lai 5363 (cao hơn Việt Nam gấp 5 lần), và Singapore 7296 (hơn Việt Nam gấp 7 lần). Tuy nhiên, số ấn phẩm khoa học Việt Nam đã vượt qua Indonesia và Philippines (Bảng 1).
Bảng 1. Số ấn phẩm khoa học trên các tập san quốc tế trong năm 2011 của một số quốc gia
Nước
2011 (tính đến tháng 11)
Việt Nam
1028
Thái Lan
4244
Malaysia
5363
Indonesia
865
Philippines
719
Singapore
7296
Laos
87
Cambodia
103
Miến Điện
37
Hàn Quốc
32446
Úc
30396
Pháp
44836
Nhật
54537
Trung Quốc
112829

265159

Mĩ vẫn là nước có số ấn phẩm khoa học cao nhất thế giới, với 265,159 bài trong năm 2011. Số ấn phẩm khoa học của Mĩ cao hơn 2 lần so với số ấn phẩm của Trung Quốc, nước đang đứng thứ hai trên thế giới. Hàn Quốc với tổng số 32446 bài, đã vượt quá Úc về số ấn phẩm khoa học (20396).
Chất lượng nghiên cứu khoa học. Một thước đo về chất lượng nghiên cứu là chỉ số ảnh hưởng (impact factor - IF) của tập san. Chẳng hạn như trong y khoa và sinh học, tập san có chỉ số ảnh hưởng trên 10 có thể xem là có ảnh hưởng lớn. Đại đa số các ấn phẩm khoa học Việt Nam, ngay cả trong ngành y, chỉ công bố trên những tập san có IF khoảng 1 đến 2. Con số này cho thấy nhiều nghiên cứu khoa học của Việt Nam thường có chất lượng rất thấp, dưới trung bình khá xa.
Lĩnh vực nghiên cứu. Nhìn chung, số bài báo khoa học trong ngành y sinh học vẫn đứng đầu bảng, với 241 công trình. Sau y sinh học là toán (131 bài), vật lí (123), hóa học (110). Các ngành khoa học thuộc vào nhóm “top 10” bao gồm khoa học vật liệu (77), khoa học môi trường (65). Phần lớn những bài báo trong ngành y sinh học của Việt Nam liên quan đến các công trình nghiên cứu y tế công cộng, rất ít những công trình nghiên cứu lâm sàng hay sử dụng công nghệ cao. Xu hướng này cũng không khác mấy so với năm 2010.
Trường / viện. Khi phân tích theo trường / viện, một xu hướng thú vị xuất hiện. Viện Khoa học và Công nghệ công bố được 131 bài báo khoa học trên các tập san quốc tế, và với năng suất này, Viện KHCN là trung tâm đứng đầu nước về số ấn phẩm khoa học, nhưng điều này không có nghĩa là Viện KHCN có năng suất cao hơn các trung tâm và trường khác.
Các trường đại học có nhiều công trình công bố quốc tế thường là các trường phía Bắc. Các trường trong khối Đại học Quốc gia đứng vào hàng thứ hai (với 62 bài). Các trường “top 10” bao gồm: ĐH Bách Khoa Hà Nội (57), ĐH Cần Thơ (42), ĐH Sư Phạm Hà Nội (40), Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội (32), Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương (20), Đại học Y Hà Nội (19), Viện Toán (17), ĐH Huế và ĐH Vinh (mỗi trường 16 bài). Ở phía Nam, ngoại trừ Đại học Cần Thơ đứng vào hạng “top 10”, không có trường nào đứng vào hạng top 10. Ngay cả những trường “lớn” Như Đại học Bách khoa TPHCM, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Y Dược, v.v. có số ấn phẩm khoa học không đáng kể.
Năng suất. Có thể nói năng suất khoa học của các nhà khoa học Việt Nam còn rất thấp. Viện KHCN có 880 giáo sư và tiến sĩ (207 giáo sư và phó giáo sư và 673 tiến sĩ – số liệu 2008), nhưng năm 2011 chỉ công bố được 131 bài báo khoa học trên các tập san quốc tế. Tính trung bình, gần 7 người giáo sư và tiến sĩ mới công bố được 1 bài báo khoa học. Thật ra, trong suốt thời gian 20 năm (1991 – 2010), Viện KHCN chỉ công bố được 785 bài báo khoa học trên các tập san quốc tế. Nói cách khác, tính trung bình, mỗi nhà khoa học cần đến >10 năm để công bố được 1 bài báo khoa học.
Tính cả nước, hiện nay Việt Nam có khoảng 7751 giáo sư, phó giáo sư và tiến sĩ trong các đại học (số liệu 2008). Nhưng năm 2011 chỉ có 1028 bài báo khoa học. Do đó, tính trung bình, 8 giáo sư và tiến sĩ chỉ công bố được 1 bài báo khoa học trong vòng một năm. Năng suất này tương đương với năng suất của Viện KHCN. Ở Hàn Quốc, các đại học hàng đầu như Đại học Quốc gia Seoul, mỗi giáo sư trung bình công bố 4 bài một năm, cao hơn 30 lần so với Việt Nam.
Hợp tác quốc tế. Khoảng 65% những công trình khoa học của Việt Nam trong năm 2011 là hợp tác với đồng nghiệp nước ngoài. Chỉ có khoảng 1/3 ấn phẩm khoa học là thật sự do “nội lực” (tức không có sự hỗ trợ từ đồng nghiệp nước ngoài). Ba nước có hợp tác khoa học nhiều nhất với Việt Nam là Nhật (chiếm 18% tổng số công trình khoa học), Mĩ (13%), và Pháp (12%). Trong cùng thời gian, tỉ lệ hợp tác với đồng nghiệp ngoại quốc của Thái Lan là 50%; nói cách khác họ tự lực gần phân nửa trong tất cả các công trình nghiên cứu. Những số liệu này cho thấy nội lực khoa học của ta vẫn còn kém hơn các nước trong vùng.
Vài nhận xét
Những phân tích trên đây cho thấy hoạt động nghiên cứu khoa học Việt Nam như thể hiện qua số ấn phẩm quốc tế chưa có một bước đột phá. Hiện nay, số ấn phẩm khoa học của Việt Nam chỉ bằng 25% của Thái Lan và Mã Lai, 15% của Singapore. Các nước này cũng có tỉ lệ tăng trưởng số ấn phẩm khoa học trong khoảng 15 đến 17%, nên với đà hiện nay, chúng ta khó bắt kịp các nước trong vùng như Thái Lan, Mã Lai (chứ chưa nói đến Singapore).
Số ấn phẩm khoa học có liên quan mật thiết với chỉ số kinh tế tri thức. Trong một phân tích trước đây, 10 nước ASEAN có thể được chia thành 4 nhóm dựa trên số lượng và chất lượng của ấn phẩm khoa học. Singapore là nước dẫn đầu với kết quả cao nhất, tiếp đó là nhóm thứ hai gồm Thái Lan và Malaysia, và tiếp đó là Việt Nam, Indonesia và Philippines với thành tích trung bình; và cuối cùng là nhóm thấp nhất về kết quả nghiên cứu khoa học, gồm Kampuchea, Lào, Miến Điện và Brunei. Với tốc độ hiện nay, rất khó để Việt Nam vượt ra khỏi nhóm 3 để tiến đến nhóm 2 trong khối ASEAN.
Phân tích chi tiết hơn về lĩnh vực nghiên cứu phản ánh những nhóm chính như sau: những nước phát triển mạnh về kinh tế thì có kết quả nghiên cứu tốt về kĩ thuật công nghệ cao và công nghệ sinh học (Singapore, Thai Lan và Malaysia), trong lúc những nước nghèo hơn (như Việt Nam, Indonesia, Lào, Kampuchea, Philippines thì có thành tích cao về những lĩnh vực “công nghệ thấp” như y tế công cộng, và đối với Việt Nam là toán và vật lí lí thuyết. Do cơ sở hạ tầng cho hoạt động khoa học yếu kém, hầu hết dự án nghiên cứu ở Việt nam tập trung vào những lĩnh vực lí thuyết hoặc công nghệ thấp như toán cơ bản, vật lí lí thuyết, và y tế cộng đồng, chưa đi sâu vào những lĩnh vực mang tính tầm vóc quốc tế như công nghệ sinh học và di truyền học. Singapore đã và đang đầu tư mạnh cho nghiên cứu và phát triển, với ngân sách chiếm từ 1,9% đến 2,5% GDP trong khoảng từ năm 2000 đến 2007, và đã xây dựng được mối quan hệ gắn bó giữa giới nghiên cứu học thuật với các doanh nghiệp. Hệ quả là, thành tựu nghiên cứu của Singapore phần lớn do đóng góp của nghiên cứu ứng dụng và công nghệ như kĩ thuật điện tử, công nghệ nano, và công nghệ sinh học. Xu hướng này cũng nhất quán với kết quả của một phân tích gần đây cho thấy những nước kém phát triển về kinh tế có xu hướng tập trung vào những lĩnh vực nghiên cứu cơ bản vốn đòi hỏi những thiết bị khoa học và công nghệ hiện đại ở mức tối thiểu.
Khoa học là động lực phát triển kinh tế. Các nước công nghiệp hóa như Hàn Quốc và Singapore nổi bật ở lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Chỉ trong vòng 20 năm, Hàn Quốc và Singapore đã trở thành một cường quốc trung về khoa học, với nhiều đại học và trung tâm nghiên cứu khoa học hàng đầu. Chúng ta đặt mục tiêu năm 2020 là hoàn thành công nghiệp hóa với kinh tế tri thức. Chúng ta chỉ có 9 năm nữa để thực hiện mục tiêu này, trong khi vị trí khoa học còn quá thấp. Nếu không có một sự đổi mới mang tính cách mạng trong chính sách tài trợ và quản lí nghiên cứu khoa học, e rằng vị thế của khoa học Việt Nam sẽ không thay đổi đáng kể trong vòng 10 năm tới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét