Thứ Hai, 31 tháng 10, 2011

Cựu binh Mỹ Ronald L. Haeberle: Tôi phải nói ra sự thật!

phapluattp 26/10/2011 - 00:40

“Cái chết tức tưởi của người dân trong ngày thảm sát là nỗi ám ảnh, thúc giục tôi phải công bố những bức ảnh ấy ra ánh sáng” - Ronald L. Haeberle.
LTS: Ngày 24-10, cựu binh Mỹ Ronald L. Haeberle, tác giả của những bức ảnh Mỹ Lai chấn động thế giới, đã trở lại Sơn Mỹ (huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi). Câu chuyện thảm sát năm xưa một lần nữa khiến chúng ta phải nhói đau, thổn thức.
Thực ra sau cuộc chiến tranh VN, Ronald L. Haeberle đã đến Sơn Mỹ vào năm 2000 với tư cách khách du lịch. Ông âm thầm xem những bức ảnh, xem cánh đồng làng nơi mà trong vụ thảm sát ấy ông ghi lại qua ống kính và cảm nhận sự hồi sinh của mảnh đất mà ông cho rằng đó là một phần của chính mình. Tuy vậy, Ronald L. Haeberle vẫn còn quá ít những thông tin về Mỹ Lai sau chiến tranh và phải đợi đến lần trở lại này.
Quá khứ đau lòng
Trong câu chuyện buổi sáng 24-10, tại khách sạn Petro Sông Trà nằm ở bờ nam cầu Trà Khúc (TP Quảng Ngãi), Ronald L. Haeberle hỏi rằng sự trở về của ông có làm người dân Sơn Mỹ tức giận hay không. Nhiều người “trấn an” ông rằng mặc dù ông là phóng viên quân đội Mỹ, từng làm nhiệm vụ ghi hình “đếm xác” nhưng những bức ảnh của ông đã giúp phơi bày một sự thật đau lòng: 504 người dân Sơn Mỹ bị quân đội Mỹ thảm sát được đưa ra ánh sáng và cho đến bây giờ nhiều du khách trong nước lẫn nước ngoài đến tham quan Sơn Mỹ đều xúc động. Vì vậy, sự “trở về” của ông là điều mong đợi của nhiều người. Như nhiều cựu chiến binh Mỹ tham gia chiến tranh VN, từng hiểu nỗi đau của người dân Sơn Mỹ, Ronald L. Haeberle đã nói lời xin lỗi về những gì đã xảy ra trong quá khứ ở Mỹ Lai.
Đến Sơn Mỹ, Ronald L. Haeberle đi dạo trong khuôn viên khu chứng tích. Ông dừng lại lâu hơn dưới chân tượng đài Sơn Mỹ và con mương nhỏ mà năm đó ông đã chụp bức ảnh ngập xác 170 người. Sau đó, ông lặng nhìn khu vực xóm Làng, thôn Thuận Yên - nơi buổi sáng hôm đó ông đã từng chụp những xác người ngập chìm trong máu. Như bao người hiểu việc mình làm, ông hối tiếc: “Trong buổi sáng đó còn có ảnh một người mẹ trẻ ẵm con bị quân đội Mỹ bắn chết rất gần mà tôi không chụp được”.
Ronald L. Haeberle cùng Việt kiều Đức Trần Văn Đức xem những bức ảnh của Ronald L. Haeberle trong Khu chứng tích Sơn Mỹ. Ảnh: VÕ QUÝ
Rồi khuôn mặt ông vui lên khi thấy trong nhà trưng bày Khu chứng tích Sơn Mỹ có treo bức ảnh của ông với lời chú thích trang trọng về tác giả. Ông kể nhiều về bức ảnh ông chụp được khi trái lựu đạn được ném đi vẫn còn chưa nổ.
Nỗi ám ảnh khôn nguôi
Ronald L. Haeberle cho hay đơn vị ông đóng quân ở Đức Phổ và ông theo cuộc hành quân để ghi lại những gì mà quân đội Mỹ đã làm. Tuy vậy, mãi đến hơn một năm sau, những bức ảnh của sự thật này mới được công bố trên tạp chí Life. Điều đó được Ronald L. Haeberle cắt nghĩa: Những người Việt mà trước đó ông gặp rất thân thiện, nhất là trẻ em có đôi mắt rất sáng và nụ cười hồn nhiên. Cái chết tức tưởi của họ dưới nòng súng của quân đội Mỹ trong ngày thảm sát là điều bức xúc và là nỗi ám ảnh, thúc giục ông đi đến quyết định công bố những bức ảnh trên tạp chí Life vào năm 1969.
Sau khi công bố, ông đã gặp rắc rối từ phía quân đội Mỹ và phải đến hầu tòa án với tư cách là nhân chứng. Tuy vậy, từ lúc đó cho đến bây giờ, Ronald L. Haeberle vẫn luôn tâm niệm rằng đó là sự thật và ông phải nói ra sự thật mà thôi.
Hỏi chuyện nghề, Ronald L. Haeberle khiêm nhường nói: “Việc của tôi làm cũng bình thường thôi. Bởi những cuộc chiến tranh xảy ra ở Afghanistan, Iraq cũng sẽ có người khác làm. Tuy vậy, vấn đề là khoảnh khắc và những người thực hiện có công bố về sự thật mà mình chứng kiến hay không”.
Một bức ảnh về vụ thảm sát. Ảnh: RONALD L. HAEBERLE
Ronald L. Haeberle dưới chân tượng đài Sơn Mỹ. Ảnh: VÕ QUÝ
Sau vụ thảm sát ở Sơn Mỹ, ông đã giải ngũ và làm nghề kinh doanh. Công việc tiến triển tốt. Sau những ngày làm công việc kinh doanh, Ronald L. Haeberle cũng đã tham gia những tour du lịch đến vùng Đông Nam Á. Nhưng ông vẫn nhớ nhiều đến Sơn Mỹ và mong muốn trở lại Việt Nam, trở lại Sơn Mỹ - nơi ông có những ấn tượng sâu đậm.
Đó là lời cắt nghĩa của ông khi trở lại Sơn Mỹ vào năm 2000. Còn bây giờ Ronald L. Haeberle vui và cho rằng Quảng Ngãi có nhiều đổi thay so với 10 năm trước.
Lần trở về này ngoài việc thăm lại Sơn Mỹ và một số vùng ông từng hành quân như xã Bình Tân (huyện Bình Sơn), còn một việc khác là góp phần làm sáng tỏ ai là người trong bức ảnh hai anh em nằm trên cánh đồng trong buổi sáng kinh hoàng năm đó mà ông chụp được (Việt kiều Trần Văn Đức cho rằng chính mình và em gái là nhân vật trong bức ảnh).
Ronald L. Haeberle cho hay: Sơn Mỹ là một phần của đời ông. Dù mới trở lại hai ngày ở Mỹ Lai nhưng ông nhận rõ hơn về sự thân thiện của người Việt, về những việc mình đã làm.
* * *
Sau khi biết Ronald L. Haeberle về Quảng Ngãi, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh này đã tặng hoa và tập sách Địa chí Quảng Ngãi cho Ronald L. Haeberle. Phó Giám đốc Sở Cao Chư đã cảm ơn Ronald L. Haeberle về những bức ảnh chụp ở Sơn Mỹ trong cuộc chiến tranh VN. Ông Chư cũng đề nghị Ronald L. Haeberle hãy giúp Quảng Ngãi và VN những tư liệu, hình ảnh về cuộc chiến tranh VN để đáp ứng cho việc trưng bày tư liệu, hiện vật tại những bảo tàng, nhất là Khu chứng tích Sơn Mỹ.
“Chỉ là giết sạch”
Bức ảnh gây chấn động lương tri loài người. Ảnh: RONALD L. HAEBERLE
Trong vụ thảm sát tàn khốc ở Mỹ Lai có một số lính Mỹ đã dũng cảm đứng ngoài. Một trong số này là binh nhì Leonard Gonzales, người Mỹ gốc Mexico. Dưới đây anh trả lời Đại tá Bland West:
Gonzales: Đó là một ngày tàn sát, đơn giản là tàn sát, giết sạch mọi người.
Đại tá B West: Người ta nói rằng lệnh thảm sát được đưa ra nhằm xóa sạch ngôi làng được cho là cơ sở của Việt Cộng. Việc cào bằng ngôi làng để đạt được điều gì?
Gonzales: Chỉ là giết sạch.
Đại tá West: Giết sạch để không ai còn có thể sống ở đó và tiếp tay cho Việt Cộng?
Gonzales: Đúng thế. Chúng tôi nhận được lệnh nói rằng hãy giết sạch dân làng, giết tất cả, xóa sạch bất cứ cái gì và tất cả mọi thứ. Nhiệm vụ là xóa ngôi làng khỏi bản đồ, vậy thôi.
Đại tá West: Nguyên nhân có thể là do binh lính Mỹ mất kiểm soát chăng?
Gonzales: Không hẳn.
Đại tá West: Vậy tại sao vụ thảm sát lại xảy ra?
Gonzales: Để trả thù. Chúng tôi nghĩ rằng Việt Cộng nằm vùng tại đó và được dân chúng tiếp tay. Nhưng khi tàn sát ngôi làng, chúng tôi không thấy gì hết ngoài dân thường.
(Trích BBC tiếng Việt)
VÕ QUÝ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét