Khi được hỏi về chuyện mái tóc dần chuyển màu hoa râm, Tổng thống Mỹ Barack Obama gạt phắt đi tác động của stress mà đổ lỗi cho nguyên nhân về gien.
“Ông nội tôi tóc ngả bạc vào lúc 29 tuổi, nên tôi cho rằng đã đến tuổi mình bạc đầu rồi”, Đài ABC News dẫn lời Tổng thống Obama, vừa ăn sinh nhật lần thứ 50 hồi tháng 8. Dù trước nay ai cũng nhận thấy các tổng thống Mỹ dù trẻ tuổi cách mấy cũng sớm bạc đầu sau vài năm lãnh đạo, giới chuyên gia sinh vật cho rằng câu trả lời của ông Obama cũng không phải là sai hoàn toàn. Thực tế chứng minh di truyền là nhân tố ảnh hưởng vượt trội trong quá trình tóc đổi màu. Trường hợp của đương kim tổng thống Mỹ cũng hết sức tiêu biểu: một cuộc nghiên cứu đăng trên chuyên san The Journal of Investigative Dermatology vào năm 2005 cho thấy tóc người da trắng bắt đầu bạc vào 30 tuổi, người châu Á gần 40 và người châu Phi vào khoảng 40 tuổi. Ông Obama, có mẹ là người da trắng và cha là người châu Phi, có dấu hiệu lấm tấm bạc khi bước qua năm 40 tuổi. Ông Obama bạc đầu cấp tốc chỉ sau vài năm làm tổng thống - Ảnh: Reuters |
Theo chuyên gia Gerald Weissmann của tạp chí FASEB, không hề có chứng cứ nào về mặt khoa học cho rằng áp lực từ stress góp phần đẩy nhanh tốc độ chuyển màu của tóc, dù lâu nay đại đa số ý kiến đều quan niệm rằng stress làm bạc tóc. “Thử nhìn màu tóc của thanh niên ở Ai Cập, Libya hoặc Israel. Rõ ràng ở đây stress không phải nguyên nhân làm tóc bạc mà chính là gien”, theo chuyên gia Weissmann. Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng tình với quan điểm trên. Andrzej Slominski, nhà nghiên cứu về bệnh lý da liễu học của Đại học Tennessee thừa nhận gien có ảnh hưởng mạnh nhất đến thời điểm con người xuất hiện tóc bạc, nhưng đồng thời khẳng định có chứng cứ chắc chắn cho thấy những yếu tố môi trường như stress cũng góp phần vào quá trình này.
Theo ông Slominski, hiện tượng trên được miêu tả đặc biệt vào Thế chiến thứ 2, sau khi một số binh lính đột nhiên bị bạc đầu sau một đêm thức trắng. Dù vậy, chuyên gia Slominksi cũng chưa biết rõ về cơ chế bạc dưới áp lực của stress. Trong khi đó, Ralf Paus của Đại học Luebeck đưa ra giả định rằng stress tạo ra hormone có thể dẫn đến sự hình thành các gốc tự do làm hủy hoại melanocyte, các tế bào sản xuất sắc tố trong nang tóc, quyết định màu sắc của tóc. Lâu nay, stress được biết có khả năng ảnh hưởng các quá trình của cơ thể, như đè nén sự hoạt động của hệ miễn nhiễm, gây vấn đề cho tiêu hóa và làm tăng huyết áp. Hiện các chuyên gia như Paus đang tiến hành các cuộc nghiên cứu nhằm xác định sự liên quan của stress với nang tóc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét