Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2011

Nhân sự khoa bảng trong đại học Việt Nam


Mấy ngày nay, các đại học -- qua báo chí -- kêu ca thiếu nhân sự giảng dạy ở các đại học. Thật ra, đây là chuyện thường ngày ở nước ta, chứ có gì mới đâu. Có mới chăng là trong vài năm gần đây, nước ta có quá nhiều đại học ra đời (có người mỉa mai nói là "đại học mọc lên như nấm"), thì việc thiếu giảng viên và giáo sư là điều hoàn toàn có thể hiểu được. Nhưng vấn đề là các "đại học" mới ra đời đó có xứng đáng gọi là đại học hay không mới là vấn đề. Không hiểu nổi tại sao Bộ GDĐT cho phép lập đại học mà không có cơ chế để kiểm tra chất lượng giảng dạy và cơ sở vật chất. Tôi nghĩ nước ta cần nhiều trường cao đẳng và dạy nghề hơn là cần đại học.

Hôm nay thấy báo Tuổi Trẻ có bài này với vài thống kê thú vị.
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=279771&ChannelID=13

Theo bài báo này, năm học 2007-2008, cả nước có 38.217 giảng viên dạy đại học. Con số này cũng nhiều đó chứ. Nhưng phân tích ra thì thấy trong số này có:

* giáo sư: 303 người (0,8%)
* phó giáo sư: 1805 (5%)
* tiến sĩ 5643 (15%)
* thạc sĩ: 5643 (15%). Chú ý: sao con số tiến sĩ và thạc sĩ y chang nhau vậy cà? Tôi nghi quá!
* cử nhân: 15045

Cộng lại tất cả là 28439. Vậy còn 9778 người còn lại có trình độ gì? Chẳng lẽ dưới cử nhân mà dạy cử nhân?

Thật ra, cách phân chia như trên cũng chưa chính xác, bởi vì người thạc sĩ cũng có thể là phó giáo sư hay giáo sư. Nhưng thôi, tạm tạm vậy cũng cho chúng ta vài con số thú vị về lực lượng giảng dạy đại học ở nước ta.

Nhưng tôi thắc mắc. Trong thống kê trên, các đại học ta có 2108 là giáo sư và phó giáo sư. Nhưng một bài báo hồi năm ngoái (http://vietnamnet.vn/giaoduc/2007/12/760841) cho biết tính đến tháng 12/2007, cả nước có "gần 6600" giáo sư và phó giáo sư. Nhưng chỉ có 2108 hay 32% là trực tiếp giảng dạy. Như vậy còn lại ~4500 vị làm gì? Thật là đáng ngạc nhiên!

Tôi tìm câu trả lời hoài mà không ra. Nhưng lần mò một hồi thì tôi cũng tìm ra một phần câu trả lời, và đó là rất nhiều vị có hàm giáo sư hay phó giáo sư chỉ làm chức vụ hành chính, công chức, hay quan chức nhà nước mà thôi. Chẳng hạn như trang wikipedia cho thấy nhiều vị thậm chí nằm ở trong các bộ! Như ông Nguyễn Thiện Nhân, tuy là bộ trưởng nhưng cũng mang hàm giáo sư! Hình như chỉ có Việt Nam ta hay vài nước XHCN mà bộ trưởng là giáo sư.

Có lẽ đã đến lúc phải xem xét lại chức danh giáo sư, xem lại cả tiêu chuẩn phong chức danh này, chứ cứ tình trạng này (nhiều người mang hàm giáo sư mà không dạy cũng chẳng nghiên cứu) thì hóa ra nhiều giáo sư ở nước ta chỉ là giáo sư dỏm.

NVT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét